Hội chứng buồng trứng đa nang (Polycystic ovary syndrome: PCOS) là một loạt các hội chứng do có quá nhiều androgen (hormone nam giới) trong cơ thể. Các hội chứng bao gồm: thưa kinh hoặc vô kinh, cường androgen và bất thường ở buồng trứng. Cụ thể, bệnh nhân có thể tích trứng to hơn người bình thường từ 2–9 mm, số lượng trứng nhiều nhưng trứng lại không chín, trong trứng rỗng nên không có khả năng thụ thai, buồng trứng có một lớp vỏ dày khiến cho các nang trứng không thể phát triển nên hàng tháng trứng không phá được lớp vỏ đó, hiện tượng phóng noãn sẽ không xảy ra. Do đó, PCOS ảnh hưởng rất lớn tới khả năng sinh sản của phụ nữ. Ngoài ra, bệnh còn kèm theo một số bất thường liên quan đến nguy cơ tim mạch và đái tháo đường typ 2.
Việc khám và phát hiện hội chứng buồng trứng đa nang là rất cần thiết đối với những bệnh nhân điều trị vô sinh. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, PCOS xảy ra ở khoảng 5-10% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Theo Polson và cộng sự (1986), trong số những phụ nữ khỏe mạnh không bị vô sinh thì tỷ lệ mắc bệnh là 22%. Trong các trường hợp vô sinh do không phóng noãn, nguyên nhân do hội chứng buồng trứng đa nang chiếm tới 75%.
Khi phụ nữ mắc PCOS, lượng hormone sinh dục nam là androgen trong cơ thể quá nhiều, làm ngăn cản sự rụng trứng khiến trứng chứa đầy trong nang trứng nhưng lại không thể chín, thoát ra vỏ và rụng. Nhiều người mắc bệnh này có buồng trứng giãn rộng chứa các cụm nang nhỏ. Nếu nang trứng không phát triển bình thường và việc rụng trứng xảy ra không đúng chu kì thì sẽ dẫn đến sự mất cân bằng hormone nam và nữ trong cơ thể. Hệ lụy của việc này là làm giảm sức khỏe sinh sản, thậm chí là vô sinh.
Do đó vấn đề quan tâm của bệnh nhân khi mắc bệnh là liệu buồng trứng đa nang có thể có con được không và bằng cách nào?
Đầu tiên, người bệnh không cần quá lo lắng, buồng trứng đa nang cũng là một bệnh phụ khoa thường gặp ở phụ nữ. Đúng là người mắc buồng chứng đa nang rất khó thụ thai, thậm chí có khả năng vô sinh cao do chu kì trứng rụng và phóng noãn không xảy ra như bình thường. Nhưng thực tế rất nhiều người mắc hội chứng PCOS vẫn có khả năng mang thai một cách tự nhiên (khoảng 17%). Trường hợp bệnh nặng hơn, nếu bệnh được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì khả năng mang thai tự nhiên là hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, nếu tình trạng bệnh đã lâu và nghiêm trọng thì nguy cơ vô sinh hiếm muộn lại càng cao. Ngoài ra, khi bị buồng trứng đa nang thì nguy cơ bệnh nhân bị xảy thai hoặc sinh non khá cao. Do các nang trứng hình thành với số lượng lớn dễ gây xoắn buồng trứng, chèn ép, gây áp lực lên thai khiên thai dễ bị bong ra khỏi tử cung và bị đẩy ra ngoài.
Với sự phát triển của y học hiện đại, đã có rất nhiều phương pháp tiên tiến đem lại hiệu quả điều trị vô sinh hiếm muộn cao cho những bệnh nhân buồng trứng đa nang. Tùy theo mức độ và tình trạng bệnh, một bệnh nhân cũng có thể áp dụng một hay kết hợp nhiều phương pháp để đạt hiệu quả điều trị. Cụ thể một số phương pháp thường được áp dụng là:
1.Sử dụng thuốc kích thích phóng noãn: Có rất nhiều loại thuốc khác nhau từ đường uống đến đường tiêm như Clomiphene Citrate, Metformine, Gonadotrophine. Thuốc sẽ tác động làm trứng phát triển, kích thích chúng to ra, vỡ ra và phóng noãn, tạo điều kiện cho quá trình thụ tinh.
2. Phẫu thuật buồng trứng: Ở một số trường hợp cần cắt bỏ một phần hoặc chọc thủng một vài vị trí trên bề mặt buồng trứng để giải phóng các nang noãn. Bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật bằng mở ổ bụng để tạo ra các lỗ nhỏ trong buồng trứng (phẫu thuật đốt điểm buồng trứng). Việc phẫu thuật làm giảm kích thước buồng trứng, hủy bỏ những mô thừa cản trở quá trình sinh sản, giảm mức độ kích tố nam và tăng cường sự rụng trứng. Tác động của phương pháp này chỉ mang tính tạm thời nhưng khoảng 50% bệnh nhân mắc bệnh có thể mang thai tự nhiên trong vòng một năm kể từ khi phẫu thuật.
3. Thụ tinh nhân tạo: Nếu không còn phương pháp điều trị nào phù hợp thì thụ tinh nhân tạo được xem là phương pháp tối ưu. Có rất nhiều kĩ thuật can thiệp phù hợp với tình trạng hiện tại của bệnh nhân. Tỷ lệ mang thai phụ thuộc vào độ tuổi và khả năng sinh sản của bệnh nhân.
Ngoài ra điều chỉnh lối sống và giảm cân hiệu quả cũng góp phần cải thiện bệnh. Hãy thực hiện chế độ ăn uống giàu chất xơ, ít tinh bột, giàu đạm thực vật, nhiều vitamin và sắt từ thực vật. Duy trì chế độ tập thể dục thường xuyên, hạn chế thức khuya, tránh căng thẳng lo âu,… Người bệnh cũng cần đi khám sức khỏe định kỳ để giúp phát hiện và hạn chế nguy cơ các bệnh tim mạch, tiểu đường, cao huyết áp,…