Nguyên nhân vô sinh

Nguyên nhân vô sinh là một trọng tâm trong chương trình chăm sóc sức khoẻ sinh sản.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, vô sinh là tình trạng một cặp vợ chồng khi sống cùng nhau trên một năm và không dùng biện pháp tránh thai nào mà vẫn không có con. Tỉ lệ có con cao nhất ở khoảng từ 20 – 25 tuổi và giảm dần sau 30 tuổi ở phụ nữ và sau 40 tuổi ở nam giới.

Vô sinh chia làm 2 loại, vô sinh nguyên phát và vô sinh thứ phát. Trường hơp vô sinh nguyên phát nếu trong tiền sử họ chưa có thai lần nào. Vô sinh thứ phát nếu trong tiền sử họ đã có ít nhất một lần mang thai, sinh sẩy hoặc phá thai kế hoạch, rồi quá thời hạn một năm sau đó muốn có thai mà vẫn không có thai trở lại.

Một năm sau hôn nhân có khoảng 80 – 85% các cặp vợ chồng có thể có thai tự nhiên. Theo thống kê thế giới, tỷ lệ vô sinh chiếm khoảng 8 – 15 % các cặp vợ chồng. Ở Việt Nam, vô sinh chiếm 12 – 13 % tổng số cặp vợ chồng, tương đương với gần một triệu cặp vợ chồng. Tỉ lệ này đang có chiều hướng tiếp tục tăng.

Nguyên nhân vô sinh                                                 

Có rất nhiều yếu tố tác động trong quá trình thụ thai, tuy nhiên các điều kiện cơ bản để sự thụ thai thành công là:

  1. có sự phát triển nang noãn và phóng noãn
  2. có sự sản xuất tinh trùng đảm bảo chất lượng
  3. tinh trùng gặp được noãn
  4. sự thụ tinh, làm tổ và phát triển tại tử cung cho đến đủ trên 37 tuần.

Khi có rối loạn bất kỳ khâu nào trong chuỗi các hoạt động sinh sản này đều có thể dẫn đến sự thụ thai thất bại. Do đó, một cặp vợ chồng vô sinh có thể do chồng hoặc do người vợ hoặc do cả hai. Theo các nghiên cứu, thống kê cho thấy khoảng 30 – 40 % các trường hợp vô sinh do nguyên nhân chỉ đến từ nam giới, 40 % từ nữ giới, 10 % do kết hợp cả nam và nữ và 10% không rõ nguyên nhân.

Vì vậy có thể liệt kê các nguyên nhân cơ bản gây vô sinh như sau:

  • Vô sinh do nam giới
    • Bất thường giải phẫu: giãn tĩnh mạch thừng tinh (hình 1), lỗ tiểu đóng thấp, đóng cao, tinh hoàn ẩn.
Hình 1 Giãn tĩnh mạch thừng tinh
Giãn tĩnh mạch thừng tinh ở nam giới có nguy cơ gì?
  • Bất thường tinh dịch: vô tinh do tắc nghẽn hoặc do bất sản, giảm số lượng và chất lượng tinh trùng (tinh trùng ít, yếu, dị dạng).

Hình 2 Bất thường tinh trùng

  • Rối loạn chức năng: giảm ham muốn, rối loạn cương dương, rối loạn phóng tinh, chứng giao hợp đau.
  • Các nguyên nhân khác: chấn thương tinh hoàn, phẩu thuật niệu sinh dục, triệt sản nam, viêm nhiễm niệu sinh dục hay nguyên nhân di truyền.
  • Nguyên nhân do nữ giới
    • Bất thường phóng noãn: Vòng kinh không phóng noãn do ảnh hưởng của trục dưới đồi – tuyến yên – buồng trứng, u tuyến yên.
    • Nguyên nhân do vòi trứng: Các bệnh lý có thể gây tổn thương vòi trứng như viêm nhiễm đường sinh dục, bệnh lây qua đường tình dục, tiền sử phẫu thuật vùng chậu và vòi trứng, lạc nội mạc tử cung, bất thường bẩm sinh ở vòi trứng hay do triệt sản.

Hình 3 Viêm ứ nước vòi tử cung (bên trái)

 

  • Nguyên nhân tại tử cung: U xơ tử cung, viêm dính buồng tử cung, bất thường bẩm sinh (dị dạng tử cung hai sừng, tử cung có vách ngăn, không có tử cung…)

Hình 4 Bệnh u xơ tử cung

  • Nguyên nhân do cổ tử cung: chất nhầy kém, kháng thể kháng tinh trùng, tổn thương ở cổ tử cung do can thiệp thủ thuật (khoét chóp, đốt điện…), cổ tử cung ngắn.
  • Nguyên nhân khác: Tâm lý tình dục, chứng giao hợp đau, các dị dạng bẩm sinh đường sinh dục dưới…
  • Vô sinh không rõ nguyên nhân

Khoảng 10% vô sinh không thể tìm nguyên nhân chính xác sau khi đã thăm khám và làm tất cả các xét nghiệm cần thiết để thăm dò và chẩn đoán.

Vô sinh làm giảm chất lượng cuộc sống vợ chồng. Khi có những dấu hiệu nghi ngờ, các cặp vợ chồng nên cùng nhau đi khám để kịp thời phát hiện và được hỗ trợ điều trị tốt nhất. Người bệnh cần lưu ý những điểm để phối hợp với bác sĩ được dễ dàng trong quá trình thăm khám như:

  • Tiền sử sản khoa mang thai, sẩy, sinh đủ tháng hay nạo phá thai.
  • Khả năng giao hợp, tần suất, tình trạng xuất tinh và những khó khăn gặp phải.
  • Tiền sử mắc các bệnh nội ngoại khoa và các thuốc đang dùng hiện tại.

Về phía người vợ cần đặc biệt lưu ý:

  • Tuổi bắt đầu hành kinh, tính chất kinh nguyệt, thời gian của mỗi kỳ kinh, lượng kinh nhiều hay ít, có đau bụng khi hành kinh không.
  • Tiền sử viêm nhiễm sinh dục và cách điều trị
  • Tiền sử mắc các bệnh lý phụ khoa hay các phẫu thuật vùng tiểu khung.
Chia sẻ bài viết
  •  
  •  
  •  
  •  
  •