Ông Tiến sỹ và những phép toán hoang đường

(Nguồn: Báo Dân trí) Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa đưa ra các con số đáng sợ về vô sinh ở Việt Nam và châu Á do nhiều nguyên nhân mang tính thời đại. Báo cáo nhấn mạnh, ở Việt Nam nói riêng và các nước châu Á Thái Bình Dương nói chung, tỉ lệ vô sinh, hiếm muộn đáng sợ chỉ có sau bệnh ung thư và tim mạch…

Nhiều năm tưởng tượng ra các tình huống rợn người

Có ít nhất 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh đang cần điều trị và các diễn biến của vấn đề đang ngày càng phức tạp, 50% số cặp “gặp vấn đề” ở độ tuổi dưới 30. Nếu như 10  năm trước, Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản – Bệnh viện Phụ sản Trung ương, mỗi ngày chỉ đón tiếp 1-2 ca vô sinh, hiếm muộn; thì đến năm 2015, theo thống kê, con số này đã tăng gấp 20 lần. Và 3 năm qua, con số và mức độ khó điều trị của các ca bệnh trên không ngừng tăng.

Đáng lo buồn hơn là tình trạng các cặp đôi không thể nào có con sau nhiều năm kết hôn và quan hệ vợ chồng… đều đặn. Khó nữa, là những mong muốn có con rất nhân văn và tha thiết của những người tàn tật hay tàn phế, thậm chí cả những người mà một trong hai “nhân vật chính” của cặp đôi vừa mới đột ngột về trời.

Nhiều tình huống “không tưởng” đã xảy ra và kết thúc của chúng đều rất có hậu. Phép màu thậm chí còn đem đến những đứa trẻ đáng yêu cho người vợ góa ngay cả khi chồng họ đã chết, thông qua việc lấy tinh trùng của chính tử thi. Có người cả đời chưa bao giờ quan hệ tình dục, kể cả vợ anh ta và chính anh ta cũng chưa bao giờ nhìn thấy tinh trùng của mình; không ai tin anh ta có… “tinh binh”, vậy mà bác sỹ đã chọc trong tủy sống của anh ta ra cả đàn “nòng nọc”, cấy vào cơ thể người vợ đang héo mòn chờ sinh nở…

Với con người nói chung và đặc biệt là với những cặp vợ chồng vô sinh đã hàng thập kỉ, thì khi có em bé, đó là niềm vui cực kỳ lớn lao. Đó là một sự màu nhiệm và họ gọi các bác sỹ chữa vô sinh hiếm muộn khi ấy là những người ương gàn táo bạo cãi lại mệnh trời.

Chuyện rằng, tôi và Tiến sỹ, Bác sỹ Lê Vương Văn Vệ có nhiều kỷ niệm liên quan đến chuyện vô sinh. Hơn hai chục năm trước, khi ông nghiên cứu về các vấn đề “loanhquanh vùng dưới rốn” (như cách người ta vẫn hay đùa về chuyện “sinh lý”, nam học, vô sinh, hiếm muộn) thì nhiều người tỏ ra đỏ mặt rồi cười cợt. Bởi khi ấy, chuyện giường chiếu yếu khỏe, chu kỳ thai sản, rồi vấn đề “nòng nọc” hay chăn gối sinh nở vẫn bị nhiều người cho là… không lịch sự.

Họ né tránh và do thế, đôi khi, họ càng dấn sâu thêm vào các phiền hà do nó gây ra. Bác sỹ Vệ bảo, tôi sẽ thành lập Bệnh viện về vấn đề Nam học, đến Bộ Y tế bấy giờ còn… sửng sốt. Cơ ngơi Bệnh viện Bệnh viện Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Việt – Bỉ đã ra đời tại Hà Nội, bắt đầu từ các ý tưởng “không giống ai” và cái cách “đi con đường chưa ai đi” đầy bản lĩnh của TS Lê Vương Văn Vệ.

Ông Tiến sỹ và những phép toán hoang đường  - Ảnh 1.

TS.Bác sỹ Lê Vương Văn Vệ.

Có lần, tôi viết bài báo về “Cô gái có ngón chân khổng lồ” do bố nhiễm chất độc hóa học từ chiến trường đánh Mỹ về. Bé Huế, ngón chân cái to bằng vốc tay, cháu đi học cứ nghiến răng kéo lê cục thịt nặng trĩu đó ở chân và nó cỏ vướng lồm xồm. Suốt từ nhỏ cháu chưa từng được xỏ bàn chân ấy vào dép một lần.

Rất khổ sở. Tiến sỹ Vệ đọc và gọi cho tôi: “Ta đi cắt chân cho nó nhỉ!”. Anh và tôi lái xe lên huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, anh đặt bàn chân cháu gái 14 tuổi lên bàn uống nước, gương mục kỉnh lên, mủm mỉm cười và gật gù: cái này tôi cắt ngon! Tôi tài trợ tất tật kinh phí. Cựu binh chống Mỹ, anh Sinh, bố cháu Huế gạt nước mắt lẩm bẩm: “nhà bác nói thật hay đùa ạ”?

Cứu giúp bé Huế xong, Tiến sỹ Vệ bảo, tôi đang đặt câu hỏi này ông ạ: liệu sau khi con người ta chết, thì tinh trùng có còn “bơi” được không nhỉ? Trừ những người hiến tinh trùng hay trữ đông tinh trùng vì mục đích từ thiện, sinh nở hay nghiên cứu khoa học.

Trong đầu ông Vệ luôn có những câu hỏi chẳng giống ai. Ông bảo, ông cứ “giăng” ra những bài toán, những thách thức khoa học “lẩm cẩm” ấy ra rồi tự tìm cách giải đáp nó. Ông trở thành Tổng đài giải đáp các vấn đề lên quan đến sinh sản và sức khỏe tình dục nam giới. Gần như, ông là “ông tổ” của ngành nghiên cứu và điều trị về nam học theo công nghệ tiên tiến ở nước ta.

Ông đọc sách trên thế giới, nghe nói có những người đi trượt tuyết và đau lòng thay, họ bị chết, xác dạt vào trong băng giá. Thời gian sau, tìm được thi thể và người ta nỗ lực tìm tinh trùng trong cơ thể của nạn nhân với hy vọng người vợ trẻ đau khổ kia sẽ giữ được giọt máu của người mình yêu thương nhất trong cuộc đời.

Đọc xong, ông bảo, về nguyên tắc, nếu kịp thời lấy tinh trùng của tử thi xấu số, hoặc tử thi vô tình được bảo quản trong nhiệt độ lý tưởng ví dụ như âm 196 độ (-196), thì “nòng nọc” hoàn toàn có thể không chết. Nhưng cầu trời không có ai chết trẻ, lại chết đúng lúc họ và người vợ trẻ đang ước ao về một đứa con, để rồi bác sỹ vô sinh hiếm muộn phải ra tay giải bài toán “kì dị” của mình. Ông Vệ thở dài.

Vậy nhưng, có một ngày rời cái bệnh viện Nam học và hiếm muộn do mình khai sinh ra và giữ vai trò là đầu tàu ấy, đang tản bộ nghĩ miên man, chợt TS Vệ nhận được cuộc điện thoại từ số máy lạ. Đầu bên kia là một giọng nữ giới thảng thốt nhưng khúc chiết. Cô ấy bảo, chồng cháu đi sang đường, bị tàu hỏa cán phải và đã từ trần. Cháu rất đau buồn. Đi qua đây, xe máy của cháu đâm phải một hòn gạch và ngã. Linh tính báo cho cháu là “có chuyện lớn”.

Lúc nhỏm dậy, cháu thấy tấm biển Bệnh viện tư nhân của chú và số điện thoại “đường dây nóng” này. Cháu xin hỏi: chỗ chú có mổ tử thi chồng cháu và lấy được tinh trùng ra rồi bảo quản, để sau này cháu sinh con được không ạ? Chúng cháu yêu nhau nhiều năm, sau khi cưới, anh ấy rất muốn sinh con, nhưng cháu ngăn lại và quyết tâm sang Pháp học tiến sỹ cho xong đã. Cháu đi rồi, chồng cháu cũng đi và cũng làm tiến sỹ. Sau này chúng cháu đã có một bé gái, nhưng anh ấy và gia đình luôn ước mơ có một cháu trai nữa. Cháu lo sự nghiệp nên cứ… khất từ từ. Ai ngờ, sau nhiều năm trở về, đúng dịp “lên kế hoạch” sinh con thì anh ấy lại bị tai nạn. Cháu thấy có lỗi với anh ấy vô cùng chú ạ.

Nói đến đây, cô bé khóc òa.

Tiến sỹ Vệ đứng ngây người ra một lúc. Các suy nghĩ “kỳ quái” về khoa học của ông bỗng chốc sống dậy đồng loạt. Có thể lấy tinh trùng từ tử thi không? Có thể bảo quản và giúp người phụ nữ kia sinh con từ “tinh binh” sống sót ấy không? Nạn nhân chết bao lâu thì còn mổ ra lấy được “nòng nọc sống”? Bảo quản ở nhiệt độ bao nhiêu và trong bao nhiêu năm? Các câu hỏi tiếp tục nhảy múa.

Đợi cô bé khóc hết “đợt”, ông Vệ mới hỏi: vậy xác chồng cháu đang ở đâu? Bước thấp bước cao, ông lên đường ngay. Trên đường đi, thông tin được người phụ nữ tên D. tiếp tục cung cấp qua điện thoại di động: tai nạn trên đường sắt Bắc Nam thuộc khu vực ven đường Giải Phóng, đoạn qua khu Giáp Bát, Linh Đàm thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội. Chồng D. tên là N., người Nghệ An, đi sang đường mua một số dụng cụ gia đình thì bị tàu cán. Xác nạn nhân đang nằm ở một khu “nhà kho” của bệnh viện thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Sau lời chia buồn cùng gia đình, sự ngậm ngùi cho người thanh niên Tây học giỏi giang mà yểu mệnh, ông Vệ xắn tay áo, vào việc. Ông thận trọng cắt toàn bộ tinh hoàn của tử thi theo đúng nguyện vọng của gia đình nạn nhân. Ông nghĩ, cần “mổ” nó ra để tìm kiếm “tinh binh”, kiểu gì nó cũng có một ít ở đó. Không có dụng cụ để lấy “mẫu bệnh phẩm” theo đúng quy trình, ông Vệ lột luôn cái găng tay y tế đang đeo để “mổ tử thi” ra. Tay trần, ông nghĩ, mặt trong của cái găng chắc chắn “sạch” hơn, vì nó chỉ tiếp xúc với tay của bác sỹ Vệ. Còn mặt ngoài be bét máu rồi. Gói “của quý” của nạn – vừa mới cắt phăng một cách đau xót ra; để nó trong găng tay y tế, ông Vệ lên xe rông thẳng về Bệnh viện tư nhân mà mình sáng lập và làm giám đốc.

Trong bệnh viện, vốn đã có các thùng chứa tinh trùng sau quá trình nhận “đồ” hiến tặng của nhiều quý ông khỏe mạnh và “tích trữ” để phục vụ không ít ca vô sinh hiếm muộn khác, Tiến sỹ Vệ bắt đầu tính toán. Cần có một “thùng” đặc biệt trữ tinh trùng của tử thi. Cần cấp “đông” cho nó ở nhiệt độ âm 196 độ. Và theo như nguyện vọng của D. cũng như theo kiêng cữ của dân gian Việt Nam, thì phải ít nhất 3 năm kể từ khi chồng chết, đoạn tang rồi, cô mới lấy ra để sinh con (nếu được).

Trong thời gian đó, D thường xuyên qua bệnh viện để thăm “phần thi thể” còn sót lại trên trần thế của chồng. D kể, sau khi học ở Pháp về, cô đã về làm giảng viên của trường Đại học trên địa bàn Hà Nội, cách nơi chồng cô bị nạn không xa. Cô có xem một tiểu thuyết lãng mạn và rất buồn, có chuyện người ta ao ước sau khi chồng chết vì tai nạn, người phụ nữ vẫn có thể sinh con với chính chồng mình. Ông Vệ cũng bảo, ông từng tính đến bài toán “cứu người” đầy nhân văn như vậy cùng hàng trăm bài toán khác nữa. Cuộc sống muôn màu, số phận con người rất kỳ lạ nhưng chân lý khoa học thì chỉ có một: phục vụ hạnh phúc của cộng đồng. Nếu đứa con của N. ra đời sau khi N. chết 4 năm, thì gia đình hai bên, cả N. quá cố và D. đang nhớ thương chồng cũng sẽ… bớt đau khổ. Lúc ấy, khoa học, kiến thức y học sẽ là thứ đem lại phép nhiệm màu cho người ta theo đúng nghĩa đen.

Những “cậu bé” được cấp đông đến hai lần

Sau 3 năm trữ đông, vừa đoạn tang chồng, D. đề nghị TS Vệ và cộng sự đem tinh trùng người quá cố cấy vào cơ thể D. Lần đầu, “rã đông” xong, chuẩn bị “hành sự” thì bỗng dung D bị quá kích buồng trứng. Trứng to quá mức, cơ thể có vấn đề và không thể nào thụ thai nổi. Cả ê kíp lo lắng đem các “cô bé cậu bé” tiếp tục vào trong thùng trữ đông âm 196 độ một lần nữa. Họ không dám chắc: các “cậu bé nòng nọc” còn sức dẻo dai để thực hiện nhiệm vụ quan trọng kia thêm một lần nữa không?

Căng thẳng tăng cao. Thời gian chờ đợi đằng đẵng. Rã đông lần thứ 2, lần này cơ thể D thích ứng và sớm đậu thai.

Ngày nữ giảng viên Đại học “lãng mạn nhất Việt Nam” sinh hạ hai bé trai sau 4 năm chồng bị tai nạn tàu hỏa qua đời cũng là ngày trọng đại với TS Lê Vương Văn Vệ và hầu hết các cán bộ vẫn đang làm việc ở BV Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Việt – Bỉ hiện nay.

Đích thân “bạn thân” ông Vệ, là GS.TS Vũ Bá Quyết, bấy giờ là Giám đốc BV Phụ sản Trung ương đã đứng ra thực hiện ca mổ sinh con (mà lại là sinh ra một lúc hai quý tử) chấn động dư luận của D. Căn nhà trụ sở Bệnh viện ở 23 Nguyễn Văn Trỗi cũng là ngôi nhà thứ hai của hai bé trai “giữ kỷ lục Việt Nam” đó. TS Vệ và BV Việt – Bỉ nhận làm bố đỡ đầu, có quà hàng tháng đều đặn để góp phần nuôi dưỡng các bé đến tận khi chúng tôi viết những dòng này.

Tháng 9 năm 2019 tới, hai cháu cùng bước vào lớp 1. Mẹ cháu vừa được phong hàm Phó Giáo sư, là người quản lý một chuyên ngành cũng rất “lãng mạn” với bầu trời – Bộ môn Hàng không và Vũ trụ – của một trường đại học danh tiếng tại Hà Nội.

Tôi nhớ, ngày ông Vệ từ nơi nhận kết quả xét nghiệm AND để chứng minh thêm một lần nữa bằng văn bản kết luận khoa học rằng: các bé song sinh kia đích thị là giọt máu còn lại giữa dương gian của N. – người chồng quá cố của D., hôm ấy, có hàng chục nhà báo đang ngồi chờ để đưa tin với cả một rừng máy ảnh và máy quay. Bởi, sự kiện chưa từng có trong lịch sử Việt Nam đã được thực hiện từ sự “chuẩn bị tinh thần” rất kỳ lạ của một bác sỹ, nhà khoa học yêu nghề và yêu đời đến tận cùng. Ông gọi, đó là “những phép toán hoang đường”.

Bài và ảnh: Hoàng Quân

Chia sẻ bài viết
  •  
  •  
  •  
  •  
  •