Thai lưu là các trường hợp trứng đã thụ tinh và làm tổ được trong tử cung nhưng không phát triển được thành thai nhi trưởng thành, bị chết và lưu lại trong tử cung trên 48 giờ. Vậy để lần mang thai kế tiếp an toàn, người mẹ nên làm gì? Hãy cùng tìm hiểu những kiến thức cần thiết để hạn chế rủi ro thai chết lưu trong bài viết sau đây.
1. Thai lưu sau bao lâu nên có thai lại?
Thai chết lưu là tất cả các trường hợp thai bị chết mà còn lưu lại trong tử cung trên 48 giờ. Thai ở trong tử cung mặc dù đã được người mẹ bảo vệ nhưng vẫn có thể bị chết ở bất kỳ thời điểm nào. Tình trạng này gây ra cho người mẹ các nguy cơ như chảy máu do rối loạn đông máu, nhiễm trùng, đồng thời còn ảnh hưởng đến tâm lý, tình cảm của người mẹ, đặc biệt là những bà mẹ hiếm con.
Sau khi đã lấy thai lưu ra rồi, cơ thể mẹ cần có một thời gian để phục hồi sức khỏe về mặt thể chất và tinh thần. Thai lưu càng lớn thì mẹ cần phải nghỉ ngơi càng nhiều. Vậy chính xác thì thai lưu bao lâu thì có thai lại? Với trường hợp thai lưu hơn 15 tuần, mẹ cần nghỉ ngơi trong vòng 30 ngày. Khi mẹ cảm thấy trong người khỏe mạnh, tư tưởng đã thoải mái, có ham muốn tình dục thì đó là lúc có thể giao hợp được nhưng phải tránh thai ít nhất là 3 tháng mới nên có thai lại. Trong thời gian ngắn vài tháng này, mẹ nên áp dụng biện pháp tránh thai bằng bao cao su hoặc xuất tinh ngoài âm đạo.
Thời gian thích hợp để mang thai trở lại là từ 3 – 6 tháng sau khi lấy thai lưu, khi đó tử cung và các bộ phận trong cơ quan sinh sản đã tái tạo lại như lúc đầu.
2. Những xét nghiệm cần thiết để chuẩn bị mang thai sau thai lưu
Trước khi muốn có thai lại, người mẹ nên đi khám tổng quát trước khi mang thai để xác định chắc chắn nguyên nhân gây ra thai chết lưu. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra những biện pháp xử lý phù hợp để hạn chế nguy cơ chết lưu trong lần mang thai tiếp theo.
Để kiểm tra được nguyên nhân và tầm soát các rủi ro có thể xảy ra, các bác sĩ sẽ chỉ định người mẹ thực hiện một số xét nghiệm sau trước khi chuẩn bị mang thai:
– Xét nghiệm nhiễm sắc thể đồ để phát hiện những bất thường về di truyền ở hai vợ chồng.
– Xét nghiệm máu để kiểm tra nội tiết, xem có xảy ra trường hợp kháng phospholipid không (một trong những nguyên nhân dẫn đến thai chết lưu).
– Siêu âm ổ bụng để kiểm tra các bộ phận trong cơ quan sinh sản có dị dạng hay bất thường gì không.
– Khám nội khoa và các chức năng của tim, gan, thận, phổi,…
– Xét nghiệm tinh dịch đồ để xem xét chất lượng tinh trùng nếu người chồng trên 40 tuổi.
– Kiểm tra yếu tố Rh trong máu để xử lý kịp thời các trường hợp bất đồng nhóm máu mẹ con.
3. Một số lưu ý khi chuẩn bị mang thai sau thai chết lưu
– Điều quan trọng đầu tiên trong giai đoạn chuẩn bị mang thai sau thai lưu là người mẹ cần có một chế độ ăn uống lành mạnh và bổ sung đầy đủ các nhóm chất: tinh bột, đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Mẹ nên ăn nhiều rau và trái cây sẽ giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
– Ngoài ra, mẹ cũng cần hấp thụ cho cơ thể khoảng 400 mcg axit folic để quá trình mang thai lần tiếp theo an toàn hơn.
– Loại bỏ những thói quen xấu như hút thuốc, uống rượu, bia, cafe,.. để giảm tỷ lệ thai chết lưu; tập thể dục hàng ngày, tham gia những trò chơi lành mạnh.
– Cố gắng giữ tinh thần vui vẻ, thoải mái. Nếu tâm trạng người mẹ buồn rầu, mệt mỏi, bị ảnh hưởng bởi lần thai chết lưu trước thì quá trình thụ thai cũng có thể bị ảnh hưởng.
Chuẩn bị cho thai kỳ tiếp theo có thể là một thách thức. Cùng chia sẻ với chúng tôi để nhận sự hỗ trợ tận tình và các bước chuẩn bị quan trọng từ đội ngũ chuyên gia. Nếu bạn cần tư vấn cá nhân, đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi tại Bệnh viện Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Việt – Bỉ qua số điện thoại 0932.131.393 hoặc email benhvienvietbi@gmail.com.
- CAM KẾT VÀNG – CAM KẾT ĐẬU THAI, IVF VIỆT – BỈ ĐỒNG HÀNH CÙNG GIA ĐÌNH HIẾM MUỘN 2025
- CAM KẾT VÀNG LẦN 9 : HÀNH TRÌNH CHẠM TỚI GIẤC MƠ LÀM CHA MẸ
- KHÔNG TINH TRÙNG Ở NAM GIỚI LIÊN QUAN ĐẾN NHỮNG YẾU TỐ NÀO?
- KHÁM HIẾM MUỘN CÓ CẦN NHỊN ĂN KHÔNG? LỜI KHUYÊN TỪ IVF VIỆT – BỈ
- BƠM HUYẾT TƯƠNG GIÀU TIỂU CẦU ĐIỀU TRỊ VÔ SINH, HIẾM MUỘN CHO PHỤ NỮ