THỤ TINH TRONG ỐNG NGHIỆM (IVF- invitro fertilization)

Trang chủ Vô sinh - Hiếm muộn Kỹ thuật hỗ trợ sinh sản IVF THỤ TINH TRONG ỐNG NGHIỆM (IVF- invitro fertilization)
  • Tìm hiểu về thụ tinh trong ống nghiệm
  • Lịch sử phát triển IVF.
  • Trên thế giới.

  • Những năm 1930, việc nghiên cứu hiện tượng thụ tinh giữa noãn và động vật bậc cao trong môi trường bên ngoài cơ thể nhận được sự chú ý.
  • Năm 1959, lần đầu tiên nghiên cứu thành công việc thụ tinh giữa noãn và tinh trùng của động vật có vú trong phòng thí nghiệm, sự kiện này đã đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của IVF. Nó đã chứng minh được ting trùng và trứng có thể thụ tinh với nhau ở bên ngoài môi trường cơ thể. Kể từ đó, IVF được nghiên cứu và công bố rộng rãi green thế giới.
  • Năm 1966, Edward, một nhà khoa học Anh cùng một nhóm các nhà khoa học Mỹ công bố trường hợp đầu tiên lấy được noãn người nhờ phẫu thuật nội soi. Năm 1971, phôi nang người trong ống nghiệm được nôi cấy thành công và chuyển vào buồng tử cung của người phụ nữ. Tuy nhiên thời gian này, các phác đồ để chuẩn bị nội mạc còn nhiều thiếu sót. Đến năm 1976, sau nhiều ca thất bại, trường hợp thai IVF đầu tiên trên thế giới được công bố, nhưng đây lại là một trường hợp Thai ngoài tử cung.
  • Năm 1978, Louise Brown, em bé IVF đầu tiên ra đời, tạo nên thành công đầu tiên cho sự phát triển IVF trên người. Sau đó, những năm 80, IVF đã được phát triển rất mạnh mẽ. Tính đến nay, đã có hơn 4 triệu trẻ em trên thế giới ra đời nhờ phương pháp này.

Tại Việt Nam

  • IVF ở Việt Nam đã mất hơn 10 năm để chuẩn bị do hạn chế về cơ sở vật chất, kỹ thuật, nhân lực chuyên môn. Ngày 19/8/1997, bộ trưởng bộ y Tế đã ký quyết định cho phép bệnh viện Từ Dũ là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam được thực hiện những ca IVF đầu tiên, đứng đầu nhóm nghiên cứu là bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng. Nhận được sự hỗ trợ và hợp tác của các chuyên gia người Pháp, 8/1997 các trường hợp IVF đầu tiên tại Việt Nam đã được thực hiện. Ngày 30/4/1998, đánh dấu mốc quan trọng cho IVF Việt Nam, 3 em bé IVF đầu tiên của Việt Nam được chào đời.
  • 1997-2007, trong vòng 10 năm, IVF ở Việt Nam phát triển rất nhanh, thực hiện được nhiều kỹ thuật chuyên sâu về IVF. Đến năm 2007, Việt Nam đã thực hiện được hầu hết các kỹ thuật liên quan đến IVF.
  • Từ 2007 trở đi, IVF Việt Nam có những chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, nâng lên một tầm cao mới. Tỷ lệ thành công được cải thiện một cách đáng kể và xứng ngang tầm với các trung tâm trên thế giới. Bên cạnh đó, nhiều trung tâm IVF được thành lập, mở ra them nhiều cánh cửa hy vọng cho các cặp đôi hiếm muộn.
  1. Thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON)- IVF là gì?

TTTON Là phương pháp hỗ trợ sinh sản trong đó trứng và tinh trùng được thụ tinh với nhau trong môi trường ống nghiệm. Sau khi phôi được hình thành vào ngày 2, 3 hoặc 5 sẽ được lựa chọn chuyển vào buồng tử cung của người phụ nữ. Chất lượng phôi quyết định lớn tới tỷ lệ thành công của phương pháp TTTON. Là phương pháp có tỉ lệ đậu thai cao nhất hiện nay.

  1. Chỉ định trong TTTON:
    • Phía người vợ:

-Tuổi ≥40 tuổi

-Tắc 2 vòi trứng

-Dự trữ buồng trứng giảm hoặc suy buồng trứng

  • Phía người chồng:

-Tinh trùng ít, yếu, dị dạng nhiều (không đủ điều kiện để bơm tinh trùng vào buồng tử cung)
– Không tinh trùng, phải lấy tinh trùng từ mào tinh, tinh hoàn
– Bơm tinh trùng thất bại nhiều lần…

  1. Quy trình và các kỹ thuật trong thực hiện IVF tại BVCKNH&HM Việt Bỉ.
  2. Trước khi làm IVF, bệnh nhân cần chuẩn bị:
  • Sức khỏe: cả vợ và chồng đều phải chuẩn bị sức khỏe thật tốt, giữ một tinh thần thoải mái vì phải xác định trước đây là một chặng đường dài tốn khá nhiều công sức, trung bình một đợt làm IVF rơi vào 2-3 tháng.

Nên ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, rau xanh và vitamin, chồng chú ý ăn bổ sung thêm các thực phẩm thịt đỏ, hải sản, giá đỗ,…

  • Kinh tế: chi phí làm IVF khoảng 60-80 triệu, vì vậy xác định làm IVF thì phải chuẩn bị kinh tế cho con đường tìm con yêu.
  • Giấy tờ: đăng ký kết hôn, chứng minh thư của cả hai vợ chồng. Trường hợp nếu làm mẹ đơn thân: cần giấy xác nhận đơn thân của địa phương.

Các kết quả khám sức khỏe sinh sản trước đó.

  • Thời điểm khám:

Phụ nữ có 2 thời điểm khám:

+ Có kinh ngày 2

+ Sau sạch kinh 2-5 ngày.

Nam giới: kiêng xuất tinh 3-5 ngày trước khi khám.

Lưu ý: kiêng quan hệ tình dục trước khi đến khám.

  1. Khi đến khám: cả vợ và chồng nên đi khám cùng nhau.
  2. Tư vấn: sau khi đăng ký khám, cả vợ và chồng sẽ được gặp bác sĩ để khám và khai thác một số thông tin:
  • Số năm kết hôn.
  • Số năm mong con.
  • Số lần mang thai, số con hiện có,…
  • Chu kỳ kinh nguyệt, tần suất sinh hoạt tình dục,…
  • Phả hệ trong gia đình có ai mắc vô sinh, hiếm muộn?
  • Tiền sử các bệnh nội, ngoai khoa, sản phụ khoa, nam khoa…và các thuốc điều trị (nếu có)
  • Các kết quả khám sức khỏe sinh sản cũ.
  1. Các xét nghiệm cần làm:

Sau khi được tư vấn, nếu cần thiết, các cặp vợ chồng sẽ được làm các xét nghiệm sau:

+ Xét nghiệm cơ bản: test nhanh HIV, Viêm gan B, lao, lậu,..

+ Nhóm máu, Rh.

+ Công thức máu.

  • Về phía chồng: xét nghiệm Tinh dịch đồ
  • Về phía vợ: kiểm tra dự trữ buồng trứng AMH, siêu âm tử cung phần phụ
  • Thời điểm sau sạch kinh 2-5 ngày:

+ khám phụ khoa

+ chụp tử cung vòi trứng.

  • Thời điểm ngày 2 chu kỳ kinh:

+ kiểm tra nội tiết ngày 2: FSH, LH, E2, Prolactin.

  1. Hoàn thiện hồ sơ
  • Sau khi có kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ trả kết quả, giải thích về cách làm, quá trình thực hiện, tỷ lệ thành công, nguy cơ và biến chứng của phương pháp IVF.
  • Ký cam kết đồng ý thực hiện IVF
  • Khám tiền mê để hoàn thành hồ sơ: xét nghiệm sinh hóa máu, đông máu cơ bản, điện tâm đồ, x- quang tim phổi thẳng…
  • Sau khi hoàn thiện hồ sơ IVF sẽ bắt đầu quá trình điều trị.
  • Quá trình làm IVF
  • Kích trứng: bác sĩ sử dụng phác đồ kích trứng bắt đầu từ ngày thứ 2 của chu kỳ kinh. Thuốc và liều lượng đưa ra sẽ tùy thuộc vào từng bệnh nhân: số tuổi, số lượng trứng, đáp ứng trong quá trình kích trứng. Thuốc được sử dụng có 2 dạng: tiêm (tiêm bắp, tiêm dưới da) hoặc uống. Suốt quá trình kích trứng, bệnh nhân sẽ được theo dõi tốc độ phát triển nang trứng qua siêu âm đầu dò và xét nghiệm máu. Quá trình kích trứng sẽ diễn ra từ 10-12 ngày.
  • Sau khi nang trứng đạt yêu cầu về số lượng , bệnh nhân sẽ được tiêm một mũi HCG để kích thích trứng trưởng thành. 24 tiếng sau tiêm, bác sĩ sẽ tiến hành quá trình chọc trứng.
  • Trước ngày chọc trứng 3 ngày, chồng của bệnh nhân sẽ tiến hành xuất tinh bỏ đi, sau đó kiêng xuất tinh đến ngày chọc trứng, đến bệnh viện để lấy tinh trùng trước giờ chọc.
  • Trước khi chọc sẽ được gây mê qua đường tĩnh mạch. Chọc trứng diễn ra trong khoảng 10-20 phút tùy số lượng trứng của bệnh nhân. Kết thúc chọc trứng bệnh nhân sẽ được nằm lại bệnh viện khoảng 2-3 tiếng, siêu âm kiểm tra trước khi ra viện. Thông thường, 10 ngày sau chọc trứng bệnh nhân thấy kinh trở lại. Bệnh nhân sẽ được cho nghỉ ngơi khoảng 1 tháng, vào ngày 2 chu kỳ của tháng kế tiếp bắt đầu quá trình chuẩn bị niêm mạc để chuyển phôi..
  • Trứng sau khi chọc hút sẽ được nuôi cấy với tinh trùng để tạo phôi. Có 2 cách để cho tinh trùng gặp trứng:

+ cách cổ điển: trứng và tinh trùng được gặp nhau và thụ tinh một cách “tự nhiên” để tạo thành phôi sau đó phôi tiếp tục được nuôi cấy trong tủ cấy. Tuy nhiên phương pháp này có nhiều hạn chế như tỷ lệ thụ tinh bất thường cao, cần lượng tinh trùng nhiều nên hiện nay không còn được áp dụng rộng rãi.

+ ICSI (Intra-cytoplasmic sperm injection): tiêm thẳng tinh trùng vào bào tương noãn. Với kỹ thuật này, chỉ cần 1 tinh trùng là có thể thụ tinh với một noãn. Đây được coi như một cuộc cách mạng lớn trong điều trị vô sinh hiếm muộn nguyên nhân từ phía nam giới. Số lượng tinh trùng cần sử dụng ít nhưng tỷ lệ thành công cao hơn so với phương pháp cổ điển.

  • Phôi được tạo thành được theo dõi bởi các chuyên gia phôi ở phòng lab trong điều kiện bên ngoài cơ thể. Sau nuôi cấy phôi từ 2-5 ngày,sẽ được chuyển vào buồng tử cung. Trước khi chuyển phôi, bệnh nhân có thể lựa chọn sinh thiết để sàng lọc các bất thường của phôi. Tùy thuộc chất lượng phôi, bác sĩ sẽ là người quyết định chuyển bao nhiêu phôi, thông thường là 1-3 phôi, trường hợp đặc biệt sẽ được chuyển tối đa 5 phôi. Phôi chất lượng tốt còn lại sẽ được trữ đông lạnh cho các lần sử dung sau.
  • Phôi sau khi chuyển vào buồng tử cung sẽ làm tổ và phát triển như thai bình thường. Khoảng 10 ngày sau chuyển phôi, bệnh nhân có thể thử betaHCG để biết kết quả. Khám và theo dõi thai, sinh đẻ của thai IVF hoàn toàn như một thai bình thường.
  1. Một số trường hợp đặc biệt
  2. Xin trứng.

Chỉ định:

  • Suy buồng trứng: buồng trứng không còn hoạt động.
  • Giảm dự trữ buồng trứng: Buồng trứng hoạt động nhưng só lượng và chất lượng trứng kém, không có khả năng có thai hoặc khả năng có thai rất thấp.
  • Có bệnh lý buồng trứng hoặc đã cắt buồng trứng và không có khả năng có thai.

Trường hợp này, cả quá trình kích trứng và chọc trứng diễn ra trên người cho trứng, sau khi có phôi, sẽ được chuyển vào buồng tử cung của người nhận trứng. Nếu chất lượng trứng tốt, tỷ lệ có thai vào khoảng 50%.

  1. Mang thai hộ.
  • Trường hợp giúp một cặp vợ chồng chưa có con nào, người vợ không thể mang thai vì lý do y học, có thể có con của chính mình. Kỹ thuật này hiện nay chỉ được thực hiện ở những bệnh viện được Bộ y tế cho phép.

Chỉ định:

  • Vợ có tử cung bất thường hoặc bệnh lý không mang thai được.
  • Vợ bị cắt tử cung do các bệnh lý hay tai biến sản khoa.
  • Vợ bị bệnh nội khoa có thể diễn tiến nặng khi mang thai và ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ và con.
  • Vợ bị bệnh miễn dịch không thể mang thai hay thụ thai.

Người mang thai hộ sẽ được chuẩn bị nội mạc tử cung, người nhờ mang thai sẽ được kích thích buồng trứng và chọc trứng. Sau khi có phôi, phôi sẽ được chuyển cho người mang thai hộ. Khi đứa trẻ được sinh ra, người nhờ mang thai nhận lại con sau khi hoàn thành đủ thủ tục hồ sơ pháp lý.

  1. Phẫu thuật trích tinh trùng:
  • Chỉ định trong các trường hợp nam không có tinh trùng.
  • Các phẫu thuật phổ biến bao gồm:

+ chọc hút tinh trùng từ mào tinh qua da (PESA).

+ Chọc hút tinh trùng từ mào tinh qua vi phẫu (MESA)

+ Chọc hút tinh trùng từ tinh hoàn. (TESA)

+ Phân lập tinh trùng từ mô tinh hoàn. (TESE)

  1. Xin tinh trùng:
  • Áp dụng cho các trường hợp nam vô sinh, không có tinh trùng, kể cả khi đã được làm phẫu thuật trích tinh trùng.
  • Các trường hợp này cần làm đơn xin tinh trùng từ Ngân hang tinh trùng tại bệnh viện, sau đó thực hiện các bước IVF như các trường hợp bình thường khác.
  1. Kết Luận

IVF là một kỹ thuật y học hết sức đặc biệt, cần có sự kết hợp đồng thời, chặt chẽ của các kỹ thuật y học và sinh học, giữa bác sĩ lâm sang và chuyên gia phôi.

IVF đã, đang và ngày càng phát triển mạnh mẽ trong đời sống xã hội. Nó dần trở nên quan trọng, có tầm ảnh hưởng lên sự hình thành và phát triển của thế hệ tương lai, mở ra nhiều hi vọng thêm cho các cặp đôi hiếm muộn.

Chia sẻ bài viết
  •  
  •  
  •  
  •  
  •