ĂN GÌ CÓ THỂ GIÚP ÍCH CHO VIỆC CÓ THAI?

Trang chủ Tin tức ĂN GÌ CÓ THỂ GIÚP ÍCH CHO VIỆC CÓ THAI?

Lối sống, chế độ ăn uống thật sự có liên quan đến khả năng sinh sản. Nhiều bệnh nhân, trước khi tìm đến một phương pháp điều trị hiếm muộn cụ thể tại các trung tâm hỗ trợ sinh sản thì vấn đề đầu tiên thắc mắc là liệu có ăn gì để dễ có con được không?

Mặc dù đến bây giờ chưa có một hướng dẫn thực hành nào về chế độ dinh dưỡng cho các cặp vợ chồng mong con nhưng chúng ta có một số thông tin về những dưỡng chất được cho rằng, có lợi cho khả năng sinh sản. Đây được xem là thông tin tham khảo, nếu bạn cân nhắc đến việc mang thai, sinh em bé.

1. CHẤT CHỐNG OXY HOÁ (Antioxidants)

Hay nghe, hay gặp thì có Vitamin E, vitamin C, omega-3. Xa hơn, L-arginine, N-acetyl-cysteine… Thật dễ dàng để tìm thấy một lượng lớn chất chống oxi hóa trong trái cây và rau quả, đặc biệt là những chất có màu đậm. Đây là vài ví dụ:

– Carotenoid: Chặn các gốc tự do, có nhiều trong cà rốt, khoai lang, cải xoăn và cà chua. Các hợp chất này bao gồm các chất như beta-carotene và lycopene có tác dụng trung hòa các gốc tự do.

– Flavonoid: Được tìm thấy trong dâu tây, quả việt quất, hành tây, bắp cải và trà xanh.

– Rau họ cải: Bao gồm bông cải xanh, cải xoăn và súp lơ. Giàu isothiocyanates, chất chống oxi hóa được biết đến để chống ung thư.

– Resveratrol: Được tìm thấy trong rượu vang đỏ, nho và quả việt quất. Một chất chống oxy hóa mạnh mẽ vì các đặc tính chống lão hóa của nó.

2. VITAMIN B

Tiềm năng nhất là folate (hay acid folic) và vitamin B12. Acid folic đã được chứng minh là giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh ở thai nhi và được ứng dụng nhiều. Về tác dụng cải thiện khả năng sinh sản thì ít được nói đến hơn. Tuy nhiên, những khảo sát mới đều ủng hộ acid folic có tác dụng hỗ trợ khả năng có thai. Acid folic có thể có trong viên đa sinh tố cho những bà mẹ mang thai và cho con bú, hoặc viên riêng biệt. Sử dụng acid folic có khả năng rút ngắn thời gian thụ thai ở phụ nữ mong con.

Đối với điều trị hiếm muộn, bệnh nhân được bổ sung acid folic và vitamin B12 trước điều trị có chất lượng trứng và phôi tốt hơn, tỷ lệ sinh sống cao hơn so với những bệnh nhân không sử dụng. Mặt khác, dùng acid folic trước và trong mang thai có thể làm giảm nguy cơ sẩy thai. Vì vậy, việc sử dụng viên đa sinh tố (multivitamin) có chứa acid folic trước sinh là hoàn toàn có lợi cho những ai đang mong con hay chuẩn bị mang thai.

3. VITAMIN D

Vitamin D hiện đang rất “hot” vì ngày càng nhiều tác dụng của nó được ghi nhận. Đối với sinh sản, vitamin D có liên quan đến trứng, nội mạc tử cung, bánh nhau, có khả năng “sửa chữa” những trục trặc liên quan đến rụng trứng, quá trình phát triển của trứng. Những phụ nữ đã từng sẩy thai trước 10 tuần có nồng độ vitamin D trong máu thấp hơn những bệnh nhân chưa từng sẩy thai.

Đối với bệnh nhân hiếm muộn, tỷ lệ bệnh nhân có thai sau IVF ở bệnh nhân không thiếu vitamin D cao gấp 4 lần bệnh nhân thiếu vitamin D. Đặc biệt ở nhóm bệnh nhân mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), bổ sung vitamin D có thể làm tăng cơ hội có thai.

Ở nước nhiệt đới như Việt Nam mình, đặc biệt là miền Nam, nắng quanh năm nhưng vẫn thiếu viatmin D như thường. Hơn nữa chế độ ăn nhiều khi không hợp lý nên bổ sung vitamin D có thể thay bằng đường uống. Chế phẩm vitamin D trên thị trường khá đa dạng, bạn có thể tư vấn thêm bác sĩ đang điều trị cho mình.

4. ACID BÉO

Acid béo có vai trò cực kỳ quan trọng trong giai đoạn sớm của việc hình thành và phát triển của phôi thai, đặc biệt là sự làm tổ của phôi. Đến nay thì người ta vẫn còn tranh cãi về vai trò và tác dụng của acid béo, nhưng kết luận cuối cùng là sử dụng một lượng phù hợp acid béo, như omega-3, sử dụng ít trans fatty acid (một dạng chất béo không bão hoà) có lợi cho khả năng sinh sản của phụ nữ.

5. CÁC CHẾ PHẨM TỪ SỮA

Các chế phẩm từ sữa chứa galactose và khả năng có chứa estrogen nên về lý thuyết được xem là bất lợi cho phụ nữ mong con. Tuy nhiên, người ta so sánh phụ nữ uống từ 3 ly sữa trở lên mỗi ngày lại giảm nguy cơ hiếm muốn so với không uống sữa. Chưa có bằng chứng cho thấy tiêu thụ sữa hay các sản phẩm từ sữa liên quan đến vô sinh do không rụng trứng. Vì vậy, đến nay, không có bằng chứng cho thấy sữa và các sản phẩm từ sữa gây hại cho khả năng sinh sản của phụ nữ. Các sản phẩm từ sữa (như sữa chua, phô mai…) thì quá ngon và không có lý do gì để chị em cự tuyệt, trừ một số trường hợp đang trong thời kỳ kiểm soát cân nặng.

6. THỊT, CÁ, ĐẬU NÀNH

Lượng thịt đỏ (như thịt bò), hay thịt trắng (như thịt gà) hiện tại không liên quan gì đến khả năng sinh sản, tuy nhiên, khuyến cáo hạn chế thịt đỏ vì nhiều lý do sức khoẻ khác.

Cá rất tốt cho bà mẹ mang thai, người ta chỉ khuyến cáo rằng nơi nguồn nước ô nhiễm, nhất là chất thải công nghiệp thì có nguy cơ thịt cá có thuỷ ngân, chì.

Thú vị nhất là đậu nành và thực phẩm chế biến từ đậu nành. Tác dụng của đậu nành cũng giống như nhiều loại thực phẩm khác, khi thì khuyên dùng, khi thì lại khuyên hạn chế do khả năng gây hại, có lúc thì nói không liên quan gì, ăn thoải mái thôi. Cho đến hiện tại thì phần thắng nghiêng về phe “ủng hộ”, nghĩa là có lợi cho bệnh nhân mong con, kể cả bệnh nhân đang điều trị vô sinh.

Một chế độ ăn uống lành mạnh đúng nghĩa là đầy đủ dinh dưỡng, đa dạng. Không hề có loại thực phẩm thần kỳ nào giúp bạn có thai tức thì, nên bạn cũng đừng lo lắng. Việc bổ sung chất dinh dưỡng không thể thay thế cho điều trị nếu bạn gặp vấn đề thật sự về sinh sản. Nên giờ, chắc câu trả lời cho bệnh nhân nên ăn gì đã rõ ràng hơn, nhưng nhắc lại là “thông tin này không thể thay thế những can thiệp cần thiết”. Bạn lưu ý nhé.

Sưu tầm.

Chia sẻ bài viết
  •  
  •  
  •  
  •  
  •