BUỒNG TRỨNG ĐA NANG: NGUYÊN NHÂN, DẤU HIỆU NHẬN BIẾT VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ

Trang chủ Khám tiền hôn nhân BUỒNG TRỨNG ĐA NANG: NGUYÊN NHÂN, DẤU HIỆU NHẬN BIẾT VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ

Tháng 9 – Tháng nâng cao hiểu biết về Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS),  một tình trạng ảnh hưởng đến 10% phụ nữ trên thế giới. Nhiều chị em sẽ lo lắng hội chứng buồng trứng đa nang sẽ ảnh hưởng chức năng sinh sản, thậm chí dẫn đến tình trạng vô sinh. Thực tế, buồng trứng đa nang cũng là một căn bệnh phụ khoa thường gặp ở phụ nữ. Bởi thế bạn vẫn có khả năng mang thai. Nhiều nghiên cứu cho thấy không phải trường hợp nào mắc bệnh cũng không thể mang thai. Tuy nhiên, nếu tình trạng bệnh của bạn đã lâu thì nguy cơ hiếm muộn, vô sinh càng cao. Với sự phát triển của y học ngày nay, những người mắc hội chứng buồng trứng đa nang  đã được điều trị và hỗ trợ sinh sản theo nhiều phương pháp khác nhau để đem lại kết quả tối ưu nhất.

1.    Buồng trứng đa nang là gì?

Buồng trứng đa nang là một hội chứng gây ra do rối loạn cân bằng Hormone. Những phụ nữ bị buồng trứng đa nang có sự gia tăng bất thường về nồng độ Androgen (hormone nam giới) trong cơ thể nữ, những chất này sẽ gây gián đoạn quá trình phát triển của nang noãn từ đó buồng trứng xuất hiện nhiều nang nhỏ (từ 6 – 10 nang < 10mm thấy trên hình ảnh siêu âm buồng trứng) do nang noãn không phát triển được, trứng không thể trưởng thành và không có hiện tượng rụng trứng. Khi phụ nữ bị hội chứng này, buồng trứng sẽ có một lớp vỏ dày khiến cho nang trứng không thể phát triển nên hàng tháng trứng không phá được lớp vỏ đó, hiện tượng phóng noãn không xảy ra dẫn tới không có khả năng thụ thai.

Buồng trứng đa nang là rối loạn liên quan đến mất cân bằng hormone

Nếu không được chữa trị sớm, hội chứng buồng trứng đa nang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tăng nguy cơ mắc một số bệnh bao gồm: tim mạch, đái tháo đường và rối loạn sinh sản.

2.    Nguyên nhân gây buồng trứng đa nang:

Hiện nay vẫn chưa tìm được nguyên nhân buồng trứng đa nang chính xác, nhưng những yếu tố sau có thể đóng vai trò là nguy cơ gây bệnh:

– Yếu tố di truyền. Nếu mẹ hoặc chị gái bạn bị buồng trứng đa nang, bạn cũng có thể mắc phải hội chứng này.

– Chế độ ăn uống có quá nhiều tinh bột cũng có thể là nguyên nhân gây ra hội chứng buồng trứng đa nang.

– Dư thừa insulin. Insulin là một loại hormone được sản xuất trong các tế bào tuyến tụy cho phép sử dụng đường (glucose), cung cấp năng lượng chính của cơ thể. Nếu có đề kháng insulin, khả năng sử dụng insulin một cách hiệu quả bị suy giảm và tuyến tụy tiết insulin nhiều hơn để chuyển hóa cho các tế bào. Insulin dư thừa được cho là đẩy mạnh sản xuất Androgen của buồng trứng. Sự gia tăng sản xuất Androgen có thể cản trở sự phát triển của nang trứng, làm giảm khả năng rụng trứng của buồng trứng.

3.    Nhận biết dấu hiệu buồng trứng đa nang:

Bạn có thể bắt gặp một hoặc một vài dấu hiệu của hội chứng buồng trứng đa nang. Trên thực tế, một số bệnh nhân không thấy bất kỳ triệu chứng nào của hội chứng này cho đến khi các biến chứng (như vô sinh hoặc ung thư) xuất hiện. Những triệu chứng phổ biến của người mắc hội chứng buồng trứng đa nang bao gồm:

– Kinh nguyệt không đều hoặc vài năm mới có một lần

– Da mặt nhờn và nhiều mụn trứng cá

– Rậm lông (mọc nhiều lông trên mặt hoặc cơ thể)

– Sắc tố da sậm màu nhất là ở háng, cổ và nách

– Tăng cân

– Tóc mỏng

– Khó ngủ, có hiện tượng ngáy hoặc ngưng thở khi ngủ

– Cảm giác đầy bụng và khó chịu vùng bụng – lưng – vùng chậu

– Tâm trạng vui buồn thất thường

Cảm giác khó chịu vùng bụng, vùng chậu là một trong những dấu hiệu buồng trứng đa nang bạn cần lưu ý

Phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang sẽ dễ bị bệnh:

– Bệnh tiểu đường (chủ yếu là đái tháo đường tuýp 2) do rối loạn điều hòa hormone Estrogen và lượng Insulin trong cơ thể.

– Tăng huyết áp và khó điều chỉnh huyết áp

– Mỡ trong máu cao đặc biệt là mỡ xấu (LDL), dẫn tới tăng nguy cơ bệnh tim mạch và đột quỵ

– Ung thư nội mạc tử cung

Khả năng sinh sản và mang thai có thể bị ảnh hưởng khi bạn bị buồng trứng đa nang. Các vấn đề bạn có thể gặp phải bao gồm: 

– Khó mang thai

– Nguy cơ sẩy thai

– Nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ

4.  Điều trị buồng trứng đa nang

Sau đây là những phương pháp điều trị buồng trứng đa nang kịp thời để không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của chị em:

– Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Giúp phát hiện và hạn chế nguy cơ các bệnh tim mạch, đái tháo đường, cao huyết áp…

– Điều chỉnh thói quen lối sống và giảm cân hiệu quả: Hãy thực hiện chế độ ăn uống giàu chất xơ, ít tinh bột đường, giàu đạm thực vật, nhiều vitamin và sắt từ thực vật và tập thể dục thường xuyên, hạn chế thức khuya, tránh căng thẳng lo âu…

– Sử dụng thuốc để kích thích rụng trứng. Nếu đang cố gắng để có thai, có thể cần một loại thuốc để kích thích rụng trứng. Có rất nhiều loại thuốc khác nhau từ đường uống đến đường tiêm. Bác sĩ sẽ xem xét từng trường hợp bệnh nhân để có chỉ định loại thuốc nào phù hợp với bạn.

– Phẫu thuật: Phẫu thuật nội soi buồng trứng là một trong những lựa chọn điều trị đa nang buồng trứng. Bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật bằng mở ổ bụng để tạo ra các lỗ nhỏ trong buồng trứng (phẫu thuật đốt điểm buồng trứng) làm giảm mức độ kích tố nam và tăng cường sự rụng trứng.Tác động của phương pháp này chỉ mang tính tạm thời nhưng khoảng 50% phụ nữ mang thai trong vòng một năm kể từ khi phẫu thuật.

– Thụ tinh trong ống nghiệm: Nếu không còn phương pháp điều trị nào phù hợp với bạn thì thụ tinh trong ống nghiệm được xem là phương pháp tối ưu. Để thực hiện phương pháp này, trước tiên bác sĩ sẽ lấy trứng và tinh trùng để tiến hành quy trình thụ tinh trong phòng thí nghiệm. Sau đó, phôi được đưa vào tử cung của người phụ nữ để phôi có thể phát triển thành thai nhi. Tỷ lệ mang thai phụ thuộc vào độ tuổi và khả năng sinh sản của chị em.

Phương pháp thụ tinh ống nghiệm

 Có thể nói phụ nữ mắc buồng trứng đa nang có con được không phụ thuộc nhiều vào thời điểm phát hiện bệnh và phương pháp điều trị. Vì thế, chị em nên kiểm tra sức khỏe phụ khoa định kỳ tại các cơ sở y tế chuyên khoa tin cậy để sớm phát hiện bệnh và có giải pháp điều trị thích hợp.

Chia sẻ bài viết
  •  
  •  
  •  
  •  
  •