TS.BS Lê Vương Văn Vệ: Tư vấn về điều trị hiếm muộn báo VNExpress

Trang chủ TS.BS Lê Vương Văn Vệ TS.BS Lê Vương Văn Vệ: Tư vấn về điều trị hiếm muộn báo VNExpress

Bác sĩ Lê Vương Văn Vệ, chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn, tư vấn về điều trị hiếm muộn.

link vnexpress ( http://vnexpress.net/phong-van-truc-tuyen/tu-van-ve-dieu-tri-hiem-muon-3266285.html )

Chào bác sĩ, 2 vợ chồng cháu lấy nhau đã 2 năm mà chưa có em bé, chúng cháu đã làm tất cả các xét nghiệm:
– Chồng: Tinh dịch đồ
– Vợ: Xét nghiệm tổng quát, nội tiết, chụp tử cung, vòi trứng.
Cả 2 đều bình thường. Chúng cháu đều mạnh khỏe, ít khi bệnh tật. Riêng vòng kinh thì cháu bị thất thường 2-3 tháng. Quan hệ trung bình 3 lần một tuần. Cho cháu hỏi có những khả năng nào khiến chúng cháu lâu có em bé như vậy? Xin nói thêm là cháu không được hứng thú lắm trong chuyện chăn gối dù rất chủ động tìm hiểu, học hỏi, chồng cháu luôn lắng nghe và làm theo những gì cháu yêu cầu, nhưng không hiểu sao cơ thể cháu rất khó hưng phấn. Điều này có ảnh hưởng gì đến việc có em bé không ạ?

Bác sĩ Vệ trả lời

Thanh Mai, 31 tuổi, Trung Văn

Chào Thanh Mai!

Theo tâm sự của bạn thì các bạn bị vô sinh tiên phát. Vì vô sinh là tình trạng mà cặp vợ chồng không có thai sau một năm chung sống, quan hệ tình dục không hề sử dụng bất kỳ biện pháp tránh thai nào.

Xét nghiệm của hai vợ chồng là bình thường, nhưng tôi không được biết kết quả gồm nội tiết tố sinh dục của vợ, kết quả siêu âm ngày thứ hai chu kỳ. giữa chu kỳ, giai đoạn phóng noãn đánh giá nang noãn trưởng thành, AMH… để đánh giá dự trữ buồng trứng. Đồng thời bạn có vòng kinh kéo dài 2-3 tháng nhưng lại không mô tả màu sắc kinh nguyệt đỏ tươi hay đỏ thẫm. Nếu vòng kinh kéo dài 2-3 tháng (60-90 ngày một chu kỳ), siêu âm có nhiều nang kích thước 10-12 mm, xét nghiệm testosterone tăng cao…thì có thể bạn bị hội chứng buồng trứng đa nang. Bệnh lý này có thể điều trị nội khoa, dùng thuốc hoặc phẫu thuật nội soi đốt điểm buồng trứng; hoặc thụ tinh nhân tạo – kích thích nang noãn và bơm tinh trùng của chồng – sau lọc rửa vào buồng tử cung (khoảng 3 chu kỳ). Nếu chưa có kết quả, có thể làm thụ tinh trong ống nghiệm.

Em trai tôi bị bệnh 47XXY. Có cách nào để em tôi có con của chính mình được không thưa bác sĩ? Rất mong nhận được câu trả lời của bác sĩ vì gia đình tôi đang rất mong mỏi và hy vọng vào sự tiến bộ của khoa học. Xin chân thành cảm ơn.

Pham Bich Thuy, 31 tuổi, 26 lo su – Hoan Kiem – Ha noi
Bác sĩ Vệ trả lời

Em trai bạn xét nghiệm Karyotype, có kết quả NST 47 (nhiễm sắc thể giới tính) XXY.  Đây là hội chứng Klinefelter (Klinerfelter’s Syndrome), được Klinefelter mô tả từ giữa thế kỷ XX. Bệnh do người nam có hình thể cao lớn nhưng cơ nhẽo, tóc thưa, vú to như vú thiếu nữ; tinh thần trì trệ, vẻ mặt của những người này cơ bản có nét đặc trưng. Hệ sinh dục phụ kém phát triển, tinh hoàn nhỏ, căng chắc hơn bình thường, ham muốn tình dục kém. Tinh dịch đồ thường azoo (không có tinh trùng trong tinh dịch). Những người này khi mới trưởng thành có khả năng tinh trùng trong tinh dịch nhiều hơn những người cao tuổi. Trong thực tế lâm sàng, tôi đã điều trị cho họ thành công bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (ICSI).

Trong thực hành lâm sàng chúng tôi chỉ gặp người bệnh hoặc người nhà đến gặp, khám, trao đổi về tình dục và sinh sản. Người thân chưa hiểu cần làm gì khi đứa trẻ bị hội chứng Klinerfelter. Bệnh lý có nhiều rủi ro như chậm trưởng thành, tứ chi yếu, cơ kém phát triển, khả năng học tập và hòa đồng xã hội kém, có những rủi ro bệnh lý về huyết học, tăng nguy cơ cancer vú, đầu xương và hạch lynpho, bệnh lý phổi…

Klinerfelter xuất hiện ngẫu nhiên khi sinh do lỗi sao chép NST giới tính. Trong 46 NST có 2 cặp NST giới tính, XX là phụ nữ; XY là nam giới. Phần lớn do sao chép NST X trong mỗi tế bào (XXY). Số ít chỉ ở một ít tế bào (dạng thể khảm – Mosaic klinerfelter syndrome). Em trai bạn có thể bị một trong hai thể của hội chứng klinerfelter. Nếu chỉ bị dạng thể khảm thì hy vọng trở thành cha sinh học rất cao.

Xét nghiệm tinh dịch đồ (nếu không tinh trùng trong tinh dịch), với kỹ thuật tìm tinh trùng từ mô tinh hoàn ở nhóm azoo không do đường dẫn, là hy vọng để em bạn trở thành cha sinh học. Trên thực nghiệm các tác giả sử dụng tế bào gốc để điều trị cho động vật, kết quả thực nghiệm là có thể, nhưng để ứng dụng trên người cần nhiều thực nghiệm.

Với khoa học hiện nay, thông thường khi azoo thì cặp vợ chồng sẽ được tư vấn chi tiết nhằm lựa chọn phương pháp khả dĩ để trong nhà có tiếng cười vui.

Trước kia em có thời gian uống thuốc ngừa thai 5 năm liên tục, đã ngưng thuốc từ 2012 và đến nay em vẫn không thể có thai. Xin hỏi liệu thời gian uống thuốc ngừa thai liên tục và lâu vậy có ảnh hưởng đến khả năng thụ thai của em? Đi khám thì bác sĩ nói trứng tự tiêu sau khi rụng trứng. Xin hỏi bác sĩ em phải điều trị thế nào? Em là nhân viên văn phòng nên không có thời gian để đi khám bệnh viện thường xuyên.

Suri, 35 tuổi, 12 Cong Hoa, Tan Binh
Bác sĩ Vệ trả lời

Theo trao đổi của bạn, bạn dùng thuốc ngừa thai 5 năm (từ năm 2007-2012). Từ năm 2012 đến nay (2015) đã 5 năm mà chưa có thai lại. Tuy nhiên, bạn không nói bạn bao nhiêu tuổi, chu kỳ kinh nguyệt có đều không, chụp tử cung, vòi trứng có thông không. Xét nghiệm nội tiết tố sinh dục thế nào, siêu âm và xét nghiệm AMH để đánh giá dự trữ buồng trứng của bạn ra sao. Bạn đã sinh em bé chưa, bao nhiêu lần có thai.. Và cuối cùng là tinh dịch đồ của chồng, khả năng tình dục của hai bạn thế nào?

Chúng tôi đặt ra một loạt câu hỏi như vậy, vì thông thường những người dễ thụ thai mới sử dụng thuốc ngừa thai. Thuốc ngừa thai sau khi ngừng sử dụng vài chu kỳ thì khả năng phóng noãn trở lại bình thường. Bạn dùng thuốc ngừa thai 5 năm, như vậy kinh nguyệt ổn định vì rối loạn có thể đã dừng thuốc và sử dụng biện pháp khác.

Sinh sản tỷ lệ thuận với tuổi tác, thường sau 35 tuổi ở phụ nữ chức năng buồng trứng bắt đầu giảm, cơ hội có thai vì thế mà giảm theo. Nếu kinh nguyệt lại không đều, thưa và ít, huyết đỏ thẫm… thì khả năng có thai càng giảm.

Sau 3 năm chưa có thai bạn nên làm thủ thuật chụp tử cung – vòi trứng để đánh giá thông của vòi trứng. Nếu bạn kế hoạch nhiều lần hay điều trị viêm phụ khoa kéo dài, khả năng tắc vòi trứng là có thể. Nếu vòi trứng bị tắc, ứ dịch thì trứng và tinh trùng không thể gặp nhau mà thụ thai được, đây cũng có thể là một trong những nguyên nhân vô sinh của bạn.

Tại sao phải xét nghiệm nội tiết tố sinh dục, AMH và siêu âm để đánh giá khả năng dự trữ buồng trứng? Qua kết quả xét nghiệm thầy thuốc sẽ trả lời bạn khả năng thụ thai của bạn thế nào.

Để thụ thai phải có noãn và tinh trùng bình thường. Nên kiểm tra sức khỏe sinh sản cho chồng là điều cần thiết. Chỉ cần kiểm tra tinh dịch đồ xem bình thường hay không.

Trong thực hành hàng ngày chúng tôi gặp rất nhiều cặp vợ chồng chậm sinh con, chỉ tập trung cho khám và điều trị người vợ, nhưng nhiều năm không kết quả. Khi kiểm tra người chồng có người tinh trùng yếu, thậm chí Azoo (tuy đã sinh con).

Hy vọng bạn có tin vui sau khi kiểm tra sức khỏe sinh sản đầy đủ cả vợ và chồng.

Vợ chồng em cưới một năm rồi mà chưa có em bé. Đi khám thì được biết chồng tinh trùng hơi yếu (lớn hơn mức min một chút), còn em có chỉ số LH, AMH cao (có dấu hiệu của buồng trứng đa nang). E đang phải uống thuốc kích trứng tháng thứ hai rồi. Bác sĩ có thể tư vấn cho em phác đồ điều trị, loại thuốc nào để tăng cao khả năng thụ thai cho vợ chồng em với ạ. Mong bác sĩ có thể trả lời chi tiết giúp em ạ. Em cảm ơn bác sĩ nhiều.

Khuyen Nguyen, 27 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội
Bác sĩ Vệ trả lời

Nguyên nhân vô sinh có thể do vợ, do chồng hoặc do cả hai. Theo tâm sự của bạn thì khả năng hiếm muộn của bạn do cả hai.

Chồng bạn tinh trùng yếu, cần khám lâm sàng, xét nghiệm nội tiết tố sinh dục… Khám lâm sàng để biết xem hai tinh hoàn có bình thường không, cả hai có ở trong bìu không hay chỉ có một, có bị giãn tĩnh mạch thừng tinh không.

Bạn xét nghiệm có LH và AMH cao… nhưng chu kỳ bao nhiêu ngày, có đều không, huyết đỏ tươi hay đỏ thẫm, thống kinh hay không, khả năng tình dục của vợ chồng thế nào, vì tình dục phản ánh khả năng sinh sản.

Để tư vấn chi tiết, hiệu quả, bạn cần khám chuyên khoa tìm nguyên nhân cụ thể. Sau đó thầy thuốc sẽ tư vấn cho bạn chọn lựa phương pháp điều trị phù hợp, hiệu quả cho cả hai vợ chồng.

Tôi có cậu em vợ đã lấy vợ hơn một năm, cả 2 vợ chồng em ấy đều không sử dụng biện pháp tránh thai gì mà đến nay vẫn chưa có thai. Hôm trước cậu em đi khám thì kết quả là không có tinh trùng ( hồi nhỏ cậu ấy có bị quai bị). Vậy xin hỏi bác sĩ có cách nào để em ấy có con không ạ?

Lê lưu, 44 tuổi
Bác sĩ Vệ trả lời

Theo tâm sự của bạn, em bạn bị vô sinh là do không tinh trùng trong tinh dịch (azoospermia). Nguyên nhân của bệnh có nhiều: Tinh hoàn ẩn, tinh hoàn lạc chỗ, hội chứng klinerfelter (XXY), xuất tinh ngược hoàn toàn, không ống dẫn tinh bẩm sinh, hậu quai bị.

Trong thực hành hàng ngày, tôi gặp vô sinh do nam giới trong đó có khoảng 20% không có tinh trùng trong tinh dịch. Khi chẩn đoán là azoo thì bạn đừng mất hy vọng, vì azoo có thể do đường dẫn chiếm khoảng hơn 40% (tắc ống dẫn tinh, sau triệt sản, viêm tắc, dạng gặp nhiều nhất là không ống dẫn tinh bẩm sinh). Có nghĩa là tinh hoàn vẫn sản xuất tinh trùng nhưng đường dẫn tinh trùng từ tinh hoàn ra ngoài bị tắc; hoặc azoo không do đường dẫn.

Tiền sử của em bạn bị quai bị từ khi còn bé. Trong thực tế chúng tôi gặp nhiều người bị quai bị, xét nghiệm azoo nhưng kết hợp không ống dẫn tinh. Nếu azoo không do đường dẫn có thể tìm tinh trùng từ mô tinh hoàn bằng kỹ thuật vi phẫu (TESE).

Nếu khám lâm sàng hai tinh hoàn bị teo nhỏ, căng chắc, tinh dịch đồ azoo. TESE không có tinh trùng trong mô tinh hoàn, thì khả năng trở thành Cha sinh học là không thể.

Để trả lời chính xác khả năng có thể trở thành cha sinh học hay lựa chọn phương pháp nào đó để có con, em bạn cần khi khám chuyên khoa để được tư vấn và có phương pháp chữa trị đúng nhất.

Bác sĩ cho cháu hỏi, cháu bị tiền sử thai lưu tự nhiên 6 lần, trong đó 5 lần thai lưu lúc 7-8 tuần có tim thai rồi mất tim thai và mãi không có tim thai. Lần gần đây nhất là cháu bị lưu lúc 20 tuần do bị rối loạn tuần hoàn dây rốn, bánh rau, thai cũng bị phát triển chậm từ hồi tuần thứ 8, vẫn cứ lớn tới tuần 20 rồi lưu, lúc 20 tuần thai phát triển tương đương 16 tuần. Vừa rồi chồng cháu xét nghiệm tinh dịch đồ tại viện C, thì tỷ lệ tinh trùng bình thường là 2%, còn lại là bất thường đầu, cổ, đuôi. Bác sĩ cho cháu hỏi liệu có phải tinh trùng bất thường nhiều nên có khả năng tinh trùng bất thường đó thụ thai được và gây lưu không ạ? Vợ chồng cháu xét nghiệm đều không tìm được nguyên nhân, ngoài xét nghiệm tinh trùng của chồng cháu bị dị tật nhiều, trong các lần mang thai, cháu đều dùng thuốc hỗ trợ tiêm, đặt, uống đủ cả mà vẫn không thành công. Cháu xin cảm ơn ạ.

phạm thị mai, 30 tuổi, hà đông, hà nội
Bác sĩ Vệ trả lời

Bạn bị sảy thai liên tục (bị 3 lần trở lên), nguyên nhân có thể từ người chồng bị bất thường tinh trùng (nhiễm sắc thể Y đứt đoạn, vi chuyển đoạn) hoặc người vợ bị bất thường nhiễm sắc thể. Chồng bạn có tỷ lệ tinh trùng chỉ 2% hình dạng bình thường. Như vậy có tới hơn 90% tinh trùng có hình dạng bất thường… Tinh trùng bình thường có đầu hình oval, đuôi dài. Khi bất thường có thể đầu dị dạng, thậm chí đầu nhọn (tinh trùng có đầu như đầu mũ đinh- Pinhead) thân biến dạng, đuôi cong queo, hai đuôi…

Để xác định nguyên nhân sảy thai, bạn cần làm xét nghiệm Karyotype cho cả hai vợ chồng và làm phân tích AZF ( Azoospermia Factor) cho chồng. Nếu xét nghiệm có bất thường về GENE thì cần tư vấn để lựa chọn phương pháp có thai.

Khi thụ thai tự nhiên khó xác định tinh trùng nào “được chọn” là bình thường. Muốn có thai nên chọn kỹ thuật ICSI ( chọn tinh trùng có hình thái bình thường, khoẻ bơm vào tương bào noãn). Hình thái bên ngoài không phải là yếu tố quyết định tinh trùng bất thường hay không, nhưng khi lựa chọn kỹ thuật này khả năng bất thường của thai sẽ giảm. Sau khi có thai phải được điều trị tích cực, hỗ thai tốt thì khả năng sinh sống sẽ được cải thiện. Chúc các bạn may mắn.

Hai vợ chồng em năm nay 37 tuổi, hiện chưa có con, đã cưới 10 năm chưa xảy thai lần nào. Chồng làm tài xế ôtô 7 chỗ, một ngày chạy khoảng 70 km, em thì làm giáo viên. Về phần em có đến Bệnh viện Từ Dũ khám kiểm tra thì bình thường. Nhưng về phía chồng, lúc 17 tuổi có cắt một trái thận (do suy thận), hiện tại nhu cầu ham muốn rất thấp (mỗi tháng một lần). Không biết là mất đi một trái thận có ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng và khả năng ham muốn không. Muốn kiểm tra chồng em có tinh trùng hay không thì phải làm những thủ tục xét nghiệm nào, ở đâu, chi phí bao nhiêu? Khả năng ham muốn rất thấp, vì vậy em không canh được khi trứng rụng để quan hệ. Hiện nay em muốn nuôi cấy bên ngoài đem vào tử cung. Chi phí bao nhiêu?

Nguyễn Thị Tuyết Nhung, 37 tuổi, số 10 Trần Não quận 2, TPHCM
Bác sĩ Vệ trả lời

Bạn đã khám tại Bệnh viện Từ Dũ kết quả bình thường, như vậy nguyên nhân vô sinh của hai bạn có thể do chồng. Vì tiền sử cắt một quả thận mà Đông y quan niệm thận chủ gân cốt, gân cốt có tốt thì khả năng tình dục mới tốt. Như vậy để kết luận chuẩn mực khả năng sinh sản người chồng cần kiểm tra sức khỏe sinh sản. Trước khi làm thụ tinh trong ống nghiệm bạn cũng cần phải kiểm tra sức khỏe sinh sản cho chồng.

Trước hết, bạn kiểm tra tinh dịch đồ xem có tinh trùng trong tinh dịch không, tốt hay không sau đó thầy thuốc mới tư vấn bạn cần làm gì. Bạn có thể đến các bệnh viện uy tín hoặc trung tâm hiếm muộn để được khám chữa.

Vợ chồng em đã kết hôn 4 năm, vào tháng 2/2014 chúng em có lên BV Từ Dũ khám hiếm muộn và cho kết quả là tinh trùng chồng em bất động. Xin cho em hỏi có cách nào điều trị như dùng thuốc mà không cần phải thụ tinh ống nghiệm không?

Phan Thị Tú Anh, 30 tuổi, Tân Châu-An Giang
Bác sĩ Vệ trả lời

Vợ chồng bạn bị vô sinh do tinh trùng bất động ( No- moving). Tinh trùng bất động là thuật ngữ chỉ tinh trùng trong tinh dịch không chuyển động được. Bình thường sau giao hợp tinh trùng được phóng vào âm đạo người phụ nữ , từ đó di chuyển qua cổ tử cung, tử cung vào vòi trứng, gặp noãn và thụ tinh thành phôi. Hiện tượng thụ tinh thường xuất hiện ở 1/3 ngoài vòi trứng, sau thụ tinh phôi sẽ di chuyển dần vào buồng tử cung- thường sau 2 tuần.  Nếu tinh trùng bất động hoàn toàn thì sau giao hợp tinh trùng chỉ nằm trong âm đạo và thải ra ngoài.

Tinh trùng bất động do các axon ở cổ tinh trùng khiếm khuyết, các lông vận động (chỉ nhìn qua kính hiển vi điện tử) bị thiếu hoặc không có làm cho tinh trùng không chuyển động được.

Về điều trị: Hiện nay khoa học hầu như chưa có cách để điều trị ở những người có tinh trùng bị bất động hoàn toàn để có thai tự nhiên. Chúng tôi đã từng điều trị cho bệnh nhân có tinh trùng bất động hoàn toàn 12-15 triệu/ml, sau pohaaux thuật giãn tĩnh mạch tinh kết hợp điều trị nội khoa 2 năm số lượng tinh trùng lên 60-65 triệu/ml ( tùy từng thời điểm kiểm tra). Nhưng tinh trùng vẫn bất động hoàn toàn.

Tinh trùng chết thì bất động, nhưng không có nghĩa tinh trùng bất động là tinh trùng chết. Bằng kỹ thuật trong phòng Lab của trung tâm Hỗ trợ sinh sản, các kỹ thuật viên sẽ chọn được tinh trùng sống. Cách duy nhất của bạn để trở thành cha sinh học là thụ tinh trong ống nghiệm bằng kỹ thuật IVF/ ICSI.

Chúc bạn may mắn!

Xin hỏi vợ chồng em có một cháu trai nay đã 6 tuổi. 2 năm nay không dùng biện pháp tránh thai nào mà không có thai. Đi khám ở BV Từ Dũ bác sĩ nói không có gì và vợ chồng đã một lần thực hiện IUI mà cũng không có thai. Xin hỏi tại sao,có cách nào khác hiệu quả hơn không?

nguyên văn công, 34 tuổi, nghĩa chánh .tp quãng ngãi
Bác sĩ Vệ trả lời

Theo tâm sự của bạn, sau hai năm quan hệ mà không dùng bất kỳ biện pháp tránh thai nào, đã thực hiện kỹ thuật IUI một lần tại Bệnh viện Từ Dũ ( Cơ sở khám chữa vô sinh uy tín cao). Như vậy, bạn bị vô sinh thứ phát không rõ nguyên nhân.

Chúng Tôi khuyên bạn nên làm IUI ba chu kỳ có kích trứng, nếu không kết quả thì nên làm thụ tinh trong ống nghiệm.

Chúc vợ chồng bạn may mắn.

Xin chào độc giả VnExpress.

Chia sẻ bài viết
  •  
  •  
  •  
  •  
  •