Bệnh viện CK Nam học & Hiếm muộn Việt Bỉ – Nơi ươm mầm những em bé “Gia Bảo”!
Bảo Bảo yêu thương!
Không lời nói nào, cũng không ngòi bút nào có thể diễn tả hết niềm vui sướng, cảm giác hạnh phúc dâng trào của ba mẹ trong khoảnh khắc đầu tiên được bế bồng con trên tay. Sau bao nhiêu mong ngóng đợi chờ, bao thang thuốc bắc đắng ngắt, bao mũi tiêm đau đến thấu xương, bao lần bác sĩ rút ra từ cánh tay mẹ những xi lanh to đầy máu, bao ngày ba mẹ lặn lội đường xa… thì cuối cùng con đã đến bên ba mẹ như trái ngọt đáp lại cho hành trình IVF đầy gian nan và vất vả ấy. Đó là lý do vì sao ngay khi biết đến sự có mặt của con, ba đã ngầm đặt cho con cái tên Gia Bảo – Bảo bối của gia đình, còn mẹ gọi con với cái tên thân thương là Bảo Bảo…
Bảo Bảo à! Mẹ biết con là một chàng trai rất kiên cường và mạnh mẽ. Con đã cùng mẹ vượt qua nhiều tháng ngày nằm viện với những vết mũi kim truyền chi chít trên tay đến mức y tá không còn biết cắm vào đâu, với những mũi tiêm mông ê buốt đến mức phải lê lết từng bước chân, còn cả những mũi tiêm bụng đến tím bầm mà đôi khi mẹ tự tiêm lại chảy máu… Cuối cùng thì ba mẹ cũng đã có thể được hưởng trái ngọt – là con đó, Bảo Bảo à. Giỏi lắm, kiên cường lắm, mạnh mẽ lắm, con trai ngoan của mẹ!
Nhớ lại chặng đường tìm con mà nước mắt mẹ lại khẽ rơi. Có thể chặng đường đó không dài như 10 năm, 15 năm của một số mẹ, nhưng nó đã lấy đi 4 năm sức khoẻ của mẹ với 2 lần mổ nội soi, 3 lần hút thai đau đến phát ngất, 3 lần nong buồng tử cung đau đến không thở được (bác sĩ chỉ cho mẹ dùng 1 viên ngậm giảm đau)… Và cả quãng thời gian thai kỳ là những chuỗi ngày dài gắn liền với bệnh viện.
Bảo Bảo à, con có biết, để có được con như ngày hôm nay, là công sức của biết bao bác sĩ, y tá Bệnh viện CK Nam học & Hiếm muộn Việt – Bỉ. Mẹ vẫn đùa với ba là gia đình mình “tận dụng” bệnh viện ghê, vì đã “sử dụng” hết cả đội y bác sĩ ở đó.
Đầu tiên phải kể đến là bác sĩ Luyện Thị Ngọc Dung. Mẹ còn nhớ ngày đầu tiên nói chuyện với bác mà tâm trạng nặng trĩu vì vừa mất anh/chị thứ 3 của con và mẹ cũng vừa trải qua ca mổ nội soi lần 2. Trước sự rối bời của mẹ, bác chỉ nhẹ nhàng nói “qua viện đi em, chị kiểm tra cho”. Mặc dù là lần đầu tiên gặp mặt, nhưng bác rất nhiệt tình, trách nhiệm và có TÂM con ạ. Hôm đó, mẹ là người cuối cùng chụp Xquang buồng tử cung, hết giờ làm việc rồi nhưng bác vẫn ở lại xem kết quả cho mẹ và dặn các kỹ thuật viên làm cẩn thận (vì lần mổ trước mẹ bị sốc phản vệ). Thời gian đó, bác đang mang thai chị An “thúi” đó con, nên bác không trực tiếp giúp mẹ con mình được. Thế nhưng, bác gửi gắm mẹ con mình tới các bác sĩ giỏi khác, và đồng hành cùng chúng ta trong suốt chặng đường dài, đến tận khi con chào đời đó. Bác luôn là người chủ động hỏi thăm tình hình của mẹ con mình, là người trấn an mẹ mỗi khi gặp biến cố…
Mẹ con mình cám ơn bác sĩ Hà Ngọc Mạnh nhiều lắm. Bác là Phó giám đốc bệnh viện và là người trực tiếp nội soi thăm dò tử cung và xử lý vết dính cho mẹ đó. Cùng với bác Dung, thì bác Mạnh trả lời tin nhắn siêu nhanh con ạ, kể cả khi mẹ nhắn tin xin tư vấn bệnh vào lúc tối muộn, hay sáng sớm. Sau này mẹ còn theo dõi cả fb và zalo của bác, và nhận ra bác là con người rất thú vị (1 bác sĩ tận tâm, 1 người cha rất yêu con và cũng là 1 người cá tính với thú chơi lan “xa xỉ”…). Mẹ còn nhớ vào ngày làm thủ thuật bơm huyết tương giàu tiểu cầu, 1 mình mẹ là bệnh nhân trong căn phòng siêu âm, với xung quanh là rất nhiều các y bác sĩ. Vừa bị lấy rất nhiều máu nên mẹ mệt và cũng hơi lo lắng. Bác Mạnh tâm lý lắm con ạ. Bác nhẹ nhàng tiến lên đầu giường, hỏi thăm và động viên mẹ để mẹ yên tâm hơn đấy.
Còn bác Trần Minh Thắng chắc sẽ không quên mẹ con mình đâu vì có lẽ, mẹ là bệnh nhân “cứng đầu” nhất mà bác gặp phải. Bác đánh giá trường hợp của mẹ rất khó thành công, gợi ý mẹ xin trứng vì tiền sử bệnh lý dài đến 2 trang giấy: AMH thấp, hỏng thai tự nhiên 3 lần liên tiếp, niêm mạc tử cung tổn thương… Tuy nhiên, nhìn sự quyết tâm và cứng rắn của mẹ, bác đã cố gắng hết sức vì chúng ta. Buồn cười lắm con ạ. Bác cũng tò mò về tình hình của 2 mẹ con mình, nhưng lại không hỏi trực tiếp mà thi thoảng lại hỏi thăm qua bác Dung chứ. Bởi vậy, sau khi từ phòng sinh về giường bệnh, nhắn tin cho bác Dung xong, mẹ liền báo ngay cho bác Mi She – tên zalo của bác để bác biết “hạt giống” bác dày công “ươm trồng” nay đã thành trái ngọt…
Còn cả bác Vũ Thị Sen nữa con ạ. Mẹ còn nhớ mãi lời động viên của bác. Con bắt đầu khiến mẹ đau bụng ở tuần thứ 16, vì không yên tâm nên mẹ đi khám ở mấy nơi trong 2 ngày liên tiếp. Khác hẳn với sự “không-mấy-vui-vẻ-và-chia-sẻ-với-bệnh-nhân” của bác sĩ PSHN, trước sự bất an hiện rõ trên khuôn mặt mẹ, bác Sen nhẹ nhàng trấn tĩnh mẹ và giải thích về vấn đề mẹ con mình gặp phải. Mẹ còn nhớ như in lời bác nói: “Giữa mẹ và con có 1 mối dây liên hệ vô hình khiến mẹ có giác quan rất nhạy bén về con mà không bác sĩ nào có thể hiểu con bằng mẹ. Có thể em vừa đi khám lúc sáng, nhưng chiều thấy trong người khang khác, hay đôi khi chỉ là cảm giác bất an thì em cứ đi khám cho chị. Em đã trải qua nhiều đau đớn và khó khăn để có được con, bây giờ em sẽ cùng chị làm những điều tốt nhất để bảo vệ con…”. Bác cũng là người đã giúp mẹ con mình khoẻ lại trong những ngày đầu mới có con mà mẹ ra máu nên phải nằm viện theo dõi đó.
Rồi còn cả bác Mèo nữa chứ (mẹ không biết tên thật của bác đâu, chỉ thấy bác Thắng gọi như vậy thôi). Cả hành trình điều trị và theo dõi chuyển phôi, chỉ mình mẹ lủi thủi đi lại đến viện (vì công việc của bố rất bận), vậy nên mới có chuyện bác Mèo phải bế mẹ lên xuống xe đẩy sau khi bơm xong huyết tương giàu tiểu cầu đấy.
Còn lời cám ơn chân thành mẹ con mình cần gửi tới các cô y tá, điều dưỡng ở bệnh viện rất nhẹ nhàng và chu đáo nữa. Có hàng trăm bệnh nhân ra vào viện mỗi ngày, thế nhưng, bác Ngọc Hạnh vẫn có thể nhận ra mẹ con mình qua ánh mặt và giọng nói (mặc dù mẹ đã đeo khẩu trang). Mỗi lần mẹ đến khám, bác lại hỏi thăm tình hình 2 mẹ con mình đấy. Còn cả các cô y tá trẻ nữa chứ, sinh xong não mẹ thành cá vàng rồi nên nghĩ mãi cũng không nhớ tên các cô, 1 phần cũng bởi mẹ thường gọi các cô là “gái xinh” chứ ít gọi tên. Mẹ con mình nằm viện gần 3 tuần đều là các cô chăm sóc hết đó con, từ việc lấy cơm, lấy nước cho mẹ (vì bố đi làm, chỉ tối mới vào viện được thôi).
À quên, còn cả bác lau dọn vệ sinh mà mẹ chưa kịp hỏi tên nữa con ạ. Mấy tuần mẹ con mình nằm viện, sáng nào bác cũng hỏi thăm, động viên 2 mẹ con cố gắng “thấy 2 mẹ con lủi thủi trong viện 1 mình, bác thương lắm…”
Còn rất nhiều, rất nhiều tình cảm và sự biết ơn dành cho đội ngũ y bác sĩ bệnh viện, mà lời văn mẹ còn hạn chế, nên không diễn tả hết được. Bảo Bảo à, mẹ không mong con sau này PHẢI giàu sang, thành đạt, nhưng mẹ sẽ dạy con cần phải sống có hiếu nghĩa và luôn biết ơn những người đã yêu thương, giúp đỡ mình, đặc biệt “những-người-đã-ươm-mầm-sự-sống” cho con…
Bài dự thi của gia đình bé Hoàng Gia Bảo, bố Hoàng Huy Hiếu và mẹ Nguyễn Thị Vy (Hà Nội)
CHÚNG TA CÙNG CHÚC MỪNG BÉ BẢO BẢO MẠNH KHỎE VÀ NHẬN GIẢI THƯỞNG LỚN VỀ NHÉ!!!