Nên chuyển phôi trữ hay phôi tươi?

Đây là câu hỏi những bệnh nhân tham gia chuyển phôi hoặc có ý định sẽ chuyển phôi rất thắc mắc. Tuy rằng đã tham gia phương pháp nhưng hẳn hầu hết mọi người cũng đều rất băn khoăn không biết rằng tỷ lệ thành công cũng như tác dụng phụ giữa hai phương pháp là thế nào. Thế nhưng bạn cũng không cần phải lo lắng. Ngành y học thế giới đã chứng minh, tỷ lệ thành công của chuyển phôi tươi và phôi trữ là như nhau. Hiện nay, trình độ đông phôi với các kỹ thuật mới đã đảm bảo được chất lượng phôi rất tốt. Thậm chí, trong một số trường hợp sức khỏe bệnh nhân không tốt hay bị quá kích buồng trứng thì chuyển phôi trữ sẽ có tỷ lệ thành công cao hơn.

Khi nào thì dùng phôi đông lạnh trong thụ tinh trong ống nghiệm

Sau khi tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm, đa số các trường hợp vẫn còn thừa những phôi đảm bảo chất lượng chưa sử dụng đến. Thay vì bỏ đi, các phôi tốt đó có thể sẽ được tiến hành làm đông lạnh ở điều kiện và nhiệt độ thích hợp để sử dụng trong tương lai. Tất nhiên không phải tất cả các phôi đều được làm đông lạnh, chỉ các phôi đảm bảo chất lượng mới được lựa chọn.

Phôi có thể được làm đông lạnh ở bất kỳ giai đoạn nào trong quá trình phát triển từ giai đoạn 1 tế bào, giai đoạn 2 đến 8 tế bào hoặc ở giai đoạn phôi bào, còn gọi là blastocyst.

Những phôi được lựa chọn làm đông lạnh sẽ được giữ trong môi trường đặc biệt giúp thay thế toàn bộ nước trong các tế bào phôi, bước này sẽ giúp phôi không bị phá hủy những tinh thể nước hình thành sau khi bị đông lạnh. Sau đó, phôi sẽ được làm đông lạnh bằng cách làm lạnh từ từ hoặc làm lạnh nhanh và dự trữ trong các bình ni-tơ lỏng cho đến lần sử dụng tiếp theo.

So sánh chuyển phôi đông lạnh và chuyển phôi tươi

Trong phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, kỹ thuật chuyển phôi dông lạnh hay chuyển phôi tươi đều có thể được áp dụng cho các cặp vợ chồng hiếm muộn. Khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), trứng và tinh trùng từ cặp vợ chồng hoặc từ nguồn sẵn có sẽ được đưa vào ống nghiệm và tạo điều kiện thuận lợi để trứng và tinh trùng có thể thụ tinh. Trứng sau khi được thụ tinh thành công sẽ trở hành hợp tử. Đợi phôi phát triển đến giai đoạn thích hợp thì sẽ được cấy vào trong tử cung của người mẹ. Kể từ đó, quá trình mang thai sẽ diễn ra như bình thường.

Trước đây khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, các bác sĩ thường ưu tiên chuyển phôi tươi, trứng được thụ tinh ngay sau khi lấy và được cấy vào tử cung. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cho thấy sau khi kích thích buồng trứng để thu trứng, nội tiết trong cơ thể người phụ nữ tăng cao hơn nhiều lần so với bình thường và không tốt cho sức khỏe phụ nữ cũng như điều kiện làm tổ của phôi.

Do đó, các nhà nghiên cứu đã tìm ra cách để giữ phôi được lâu hơn. Mỗi lần thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, thường có nhiều hơn một trứng được thụ tinh thành công. Hơn nữa sau mỗi lần lặp lại thụ tinh trong ống nghiệm như thế, việc kích thích buồng trứng nhiều lần phần nào ảnh hưởng đến chất lượng trứng do đó cũng ảnh hưởng đến chất lượng hợp tử sau này. Để tránh các rủi ro này, việc cấp đông để lưu trữ phôi được lâu hơn, chuẩn bị cho lần thụ tinh tiếp theo (có thể là vài tháng sau), khi mà cơ thể người phụ nữ đã ổn định trở lại, sẵn sàng cho đợt chuyển phôi mới. Tuy nhiên, nhiều người cũng còn băn khoăn về hiệu quả về việc sử dụng phôi đông lạnh này.

Đã có nhiều nghiên cứu xoay quanh vấn đề này, trong đó đã có một nghiên cứu so sánh hiệu quả giữa chuyển phôi tươi và phôi dông lạnh được công bố trên tạp chí Human fertilisation and Embryology Authority vào năm 2010. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hiệu quả thụ tinh khi sử dụng phôi đông lạnh giảm 10% so với khi sử dụng phôi tươi. Cụ thể, tỷ lệ thành công khi sử dụng phôi tươi là 33%, trong khi đó, tỷ lệ này chỉ đạt 23% khi sử dụng phôi đông lạnh. Sau nhiều năm, cùng với sự hoàn thiện của kỹ thuật đông lạnh, tỷ lệ thành công của kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm sử dụng phôi đông lạnh ngày càng được cải thiện hơn.

 Bằng chứng là, trong kết quả nghiên cứu mới dây được công bố trên tạp chí y khoa danh tiếng trên thế giới The New England Journal of Medicine tháng 01/2018. Nghiên cứu được tiến hành trên 792 phụ nữ thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. Kết quả cho thấy rằng tỷ lệ mang thai và tỷ lệ sinh con của các cặp vợ chồng thụ tinh trong ống nghiệm bằng phôi tươi hay phôi đông lạnh là tương đương nhau. Trong nghiên cứu, các đối tượng là những phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang. Mỗi người đều được thực hiện 1 lần thụ tinh trong ống nghiệm dùng phôi tươi hoặc tất cả phôi tươi được làm đông lạnh, sau đó được lấy ra rã đông và chuyển vào tử cung.

Sau khi hoàn thành chu trình thụ tinh đầu tiên, 36% phụ nữ được chuyển phôi đông lạnh mang thai và tỷ lệ này là 35% ở những người phụ nữ dùng phôi tươi. Tỷ lệ sinh thành công ở những phụ nữ được chuyển phôi đông lạnh là 34% và tỷ lệ này là 32% ở những người phụ nữ chuyển phôi tươi.

Những nghiên cứu này chứng minh rằng sử dụng phôi đông lạnh hay sử dựng phôi tươi trong thụ tinh trong ống nghiệm đều không ảnh hưởng tới cơ hội thành công của kỹ thuật này. Theo đó, người tham gia thụ tinh ở cả 2 kỹ thuật cũng không cần phải lo ngại hay băn khoăn về tính hiệu quả cũng như rủi ro nữa.

Ưu điểm của kỹ thuật chuyển phôi đông lạnh

  • Hiệu quả thụ thai cao hơn

Sau khi kích thích buồng trứng để thu trứng, nội tiết tố trong cơ thể người phụ nữ sẽ tăng cao nhiều lần so với bình thường và không tốt cho phôi làm tổ. Hơn nữa việc kích thích buồng trứng sau mỗi lần lặp lại là không tốt, có thể gây hiện tượng quá kích buồng trứng rất nguy hiểm. Trong trường hợp này, việc giữ đông lạnh những phôi có chất lượng tốt và chờ đến thời điểm thích hợp khi nội tiết tố ổn định trởi lại rồi mới chuyển phôi thì có thể sẽ đem lại hiệu quả thụ thai tốt hơn.

  • Giảm thiểu tình trạng mang đa thai

Trong nhiều trường hợp do hiệu quả thụ thai ở một số phụ nữ bằng thụ tinh trong ống nghiệm tương đối thấp, chi phí mỗi lần lấy trứng và tạo phôi tươi lại phải chờ đợi nhiều thời gian và tốn kém, nên một số phụ nữ được chuyển 2–3 thậm chí 4–5 phôi mỗi lần nhằm tăng xác suất thành công.

Tuy nhiên, quy trình này có một hạn chế là nguyên nhân gây tình trạng mang đa thai. Khi mang thai đôi hay ba, sức khỏe của người mẹ bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong thai kỳ, đồng thời sự phát triển của em bé cũng bị ảnh hưởng, thường dẫn tới sinh non và bé thiếu cân.

  • Tiết kiệm chi phí

Trước kia, khi sử dụng phôi tươi, chi phí mỗi lần chuẩn bị tinh trùng và trứng rất tốn kém. Khi kỹ thuật đông lạnh phôi ngày càng hoàn thiện và hiệu quả thụ tinh trong ống nghiệm của chuyển phôi đông lạnh bằng với chuyển phôi tươi, các bác sĩ sẽ không cần phải chuyển quá nhiều phôi một lần mà chỉ cần chuyển 1–2 phôi mỗi lần. Sau khi thực hiện chuyển phôi tươi, những phôi còn lại sau lần chuyển này sẽ được làm đông lạnh để bảo quản, sau đó từng phôi có thể tiếp tục được cấy vào tử cung ở những lần tiếp theo nếu lần chuyển phôi trước đó chưa thành công. Do đó mà cũng tiết kiệm được hàng loạt các chi phí.

Chia sẻ bài viết
  •  
  •  
  •  
  •  
  •