Gắn bó với lĩnh vực điều trị hiếm muộn hơn chục năm, bác sĩ Luyện Thị Ngọc Dung, một chuyên gia uy tín của Bệnh viện Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Việt – Bỉ, đã trở thành bà đỡ mát tay, người “ươm mầm hạnh phúc” cho nhiều gia đình khao khát tiếng cười con trẻ.
Thế nhưng, đằng sau sự thành công đó cũng là nhiều trăn trở của một người bác sĩ đầy tâm huyết đối với nghề.
Nối bước người thầy lớn
Bắt đầu nhen nhóm mong muốn được theo nghề y từ khi còn là một nữ sinh trung học, bác sĩ Luyện Thị Ngọc Dung khi ấy được gặp TS. Bs Lê Vương Văn Vệ, người thầy đầu tiên và là người truyền cảm hứng cho chị theo con đường y khoa sau này. Khi đăng ký dự thi và trở thành sinh viên ngành y trong 6 năm trời, chị mong muốn mình có thể trở thành một bác sĩ ngoại khoa hoặc một bác sĩ nhi khoa. Tuy nhiên, một số biến cố xảy ra đã khiến cô sinh viên trẻ quyết định theo đuổi lĩnh vực sản phụ khoa và hiếm muộn. Sau khi tốt nghiệp, cô gái trẻ quyết định công tác tại Bệnh viện Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Việt – Bỉ, cơ sở y tế do Tiến sĩ Vệ ấp ủ và xây dựng với mong muốn hiện thực hóa ước mơ làm mẹ của nhiều phụ nữ hiếm muộn.
Ngay từ khi chưa bước chân vào ngành Y, chị đã coi Tiến sĩ Vệ như một người thầy. Về sau, khi được làm việc cùng, được thầy hướng dẫn chỉ bảo, chị càng nỗ lực, phấn đấu, quyết tâm nối bước người thầy lớn để trở thành bác sĩ sản phụ giỏi, giúp đỡ được nhiều bệnh nhân hiếm muộn hơn nữa.
Mượn tên đặt cho con gái
Tính đến nay, bác sĩ Luyện Thị Ngọc Dung đã có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực điều trị vô sinh hiếm muộn, giúp hàng nghìn cặp vợ chồng tìm được con yêu. Luôn nỗ lực giúp bệnh nhân đạt được kết quả tốt nhất, mỗi lần được báo “tin vui”, bản thân chị lại cảm thấy vui mừng vì đã góp phần vào thành quả đó. Đặc biệt, có những cặp vợ chồng sau nhiều năm chữa trị đã đón nhận “trái ngọt” và đặt tên con gái mới chào đời theo tên của bác sĩ Dung, để bày tỏ lòng biết ơn và ghi nhớ kỳ tích mà họ đã cùng nhau vượt qua. Đó có lẽ là niềm hạnh phúc khó đong đếm trong cuộc đời của người bác sĩ.
Có cả những trường hợp đặc biệt, người bệnh bị chấn thương cột sống, việc di chuyển gặp nhiều khó khăn nhưng bác sĩ Dung và các đồng nghiệp luôn cố gắng tìm giải pháp tối ưu nhất để tất cả bệnh nhân đều được có cơ hội làm mẹ. Chị chia sẻ: “Bệnh nhân bị chấn thương cột sống không chỉ ảnh hưởng tới việc di chuyển trong quá trình điều trị mà thường là sẽ không dư dả về kinh tế để có thể làm nhiều chu kỳ. Vì vậy, khi thực hiện, chúng tôi luôn sát sao, tìm cách để hạn chế thời gian di chuyển cho bệnh nhân cũng như cố gắng, nỗ lực để bệnh nhân đạt được kết quả tốt nhất trong thời gian ngắn nhất cùng chi phí thấp nhất”.
Mặc dù được xem là một bác sĩ “mát tay” với nhiều ca hiếm muộn được chữa trị thành công, bác sĩ Dung vẫn luôn trăn trở và suy nghĩ rất nhiều. “Những điều mình biết, y học đã chứng minh, mình có thể kiểm soát được. Nhưng thực tế, có những cái mà kiến thức y học
của mình chưa thực sự tường tận, chưa thể với tới. Mỗi ca bệnh lại thường đòi hỏi thời gian điều trị dài, có thể phải làm đi làm lại nhiều lần, chi phí cũng rất cao khiến bệnh nhân không kiên trì được. Mặt khác, đối với những hoàn cảnh đặc biệt, bố mẹ khuyết tật, bệnh lý, tâm lý phức tạp, khi điều trị thành công, mình lại lo lắng về việc sau khi sinh con, họ sẽ chăm sóc và nuôi dưỡng con như thế nào. Điều đó có thực sự là một kết quả tốt đẹp cho cả bố mẹ và em bé hay không?”.
Điều trị tâm lý là yếu tố then chốt
“Có hai yếu tố mà mình cảm thấy rất quan trọng với một bác sĩ hiếm muộn: thứ nhất là chuyên môn tốt và thứ hai là khả năng trở thành một bác sĩ tâm lý đối với bệnh nhân”. Đây là kinh nghiệm mà bác sĩ Dung rút ra sau nhiều năm điều trị và gặp gỡ hàng nghìn bệnh nhân. Với tư cách là một người vợ, người mẹ, chị luôn đồng cảm và dành thời gian tâm sự với bệnh nhân, không chỉ như một thầy thuốc mà còn như một người bạn thân thiết. Khi gánh nặng tâm lý được cởi bỏ, bệnh nhân dễ dàng tiếp thu các phương pháp điều trị. Điều này giúp họ có thể đạt được kết quả tốt mà không nhất thiết phải làm thụ tinh trong ống nghiệm, giảm thiểu chi phí và thời gian, đồng thời ít nguy cơ xâm lấn hơn. Chính sự đồng cảm và thấu hiểu này đã giúp bác sĩ Dung mang lại nhiều niềm vui và hy vọng cho các cặp vợ chồng hiếm muộn.
Bác sĩ Dung chia sẻ thêm: “Ngoài ra, việc bổ sung kiến thức đối với bác sĩ là việc cần làm thường xuyên. Nếu một người bác sĩ khi gặp các ca bệnh khó hoặc các bệnh lý hiếm mà bối
rối, không biết làm gì thì đó chính là một thiệt thòi rất lớn đối với người bệnh.” Tại Bệnh viện Việt – Bỉ, các bác sĩ thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm để cập nhật, trao đổi kiến thức mới đến từ các nền y học tiên tiến trên thế giới. Từ đó, không chỉ 1,2 người mà nhiều bác sĩ đều có thể xử lý được khi gặp những ca bệnh khó.
Hành trình tìm con của các cặp vợ chồng hiếm muộn là một hành trình dài và mệt mỏi. Trên hành trình ấy, rất cần sự đồng cảm, sẻ chia bằng tất cả tấm lòng của những người thầy thuốc như bác sĩ Luyện Thị Ngọc Dung. Trở thành một người thầy thuốc, không chỉ mang trọng trách cứu người mà còn là người tạo ra và nuôi dưỡng những mầm sống mới. Dù với nhiệm vụ nào, đó đều là những việc làm cao cả và đầy ý nghĩa của những người khoác áo blouse trắng ngày nay.