Được ví như những “chiến sĩ thầm lặng”, những“ánh sao đêm”- các điều dưỡng viên tại Bệnh viện CK Nam học & Hiếm muộn Việt – Bỉ đã âm thầm bên cạnh cổ vũ, động viên và tiếp sức cho hàng nghìn gia đình hiếm muộn trên hành trình đi tìm hạnh phúc trọn vẹn.
Nghề chọn người
Gần 8 năm theo nghề điều dưỡng, chị Thế Thị Minh Thoại nhớ lại khi còn đang phân vân chọn ngành, chọn nghề, chị chỉ có một mục tiêu đơn giản là thi đỗ vào một trường đại học, ra trường có nghề dễ tìm việc. Vậy là, giữa muôn vàn dự định, điều dưỡng không phải sự ưu tiên, cũng không phải lựa chọn duy nhất. Thế nhưng, việc thi đỗ và theo học ngành này đã bắt đầu hành trình gắn bó với nghề của chị.
Sau 4 năm đèn sách, chị lại có cơ duyên khi sớm được trở thành điều dưỡng viên tại Bệnh viện Hiếm muộn Việt – Bỉ. Tính đến nay đã gần tròn 8 năm, chị Thoại từ một sinh viên non nớt, đầy bỡ ngỡ, đã trở thành một điều dưỡng viên chuyên nghiệp, tận tâm.
Còn với điều dưỡng trưởng Trương Thị Hường, nghề lại đến với chị theo một cách rất khác. Vốn là sinh viên ngành dược theo đúng nguyện vọng của gia đình, thế nhưng, trong một lần vào bệnh viện thăm người ốm, chị được thấy những nữ điều dưỡng viên ân cần chăm sóc cho bệnh nhân. Chính từ khoảnh khắc ấy, chị quyết định học thêm chuyên ngành điều dưỡng với mong muốn có thêm những kỹ năng để sau này chăm sóc cho người thân và gia đình mình. Chỉ xuất phát từ mong muốn như vậy, nhưng không ngờ, điều dưỡng đã trở thành nghề mà chị gắn bó, thay vì nghề dược như đúng ngành học ban đầu.
Để theo nghề và gắn bó với nghề như chị Thoại hay chị Hường, quả thật là do nghề chọn người. Bởi quá trình làm việc chính là môi trường sàng lọc khắc nghiệt nhất mà không phải ai cũng đủ khả năng để bám trụ.
Nghề “làm dâu trăm họ”
Người ta ví von, điều dưỡng là nghề “làm dâu trăm họ”, bởi bên cạnh bác sĩ, điều dưỡng là người chăm sóc, tiếp xúc trực tiếp, gần gũi nhất với người bệnh. Từ việc trợ giúp bác sĩ thực hiện các thủ thuật, phẫu thuật đến tư vấn, hướng dẫn cho người bệnh và người nhà, rồi cả chăm sóc tinh thần cho người bệnh. Những công việc này đều yêu cầu sự tỉ mỉ, chu toàn và tận tâm.
Tiếp xúc và chăm sóc cho hàng chục bệnh nhân trong một ngày. Mỗi người lại có một hoàn cảnh, câu chuyện, trình độ văn hóa, cách ứng xử khác nhau. Đặc biệt, tại Bệnh viện Hiếm muộn Việt – Bỉ, những bệnh nhân đang trải qua cảm xúc lo lắng và nhạy cảm khi mong chờ có con, lại luôn cần sự lắng nghe và thấu hiểu từ phía nhân viên y tế, đặc biệt là những người gần gũi như bác sĩ và điều dưỡng.
Hiểu được điều ấy, với tư cách là điều dưỡng trưởng, chị Hường luôn nhắc nhở chị em về vai trò và trách nhiệm cũng mình với bệnh nhân. “Người điều dưỡng là phải thật sự ân cần, chu đáo ngay từ ban đầu để tạo được sự tin tưởng từ phía bệnh nhân. Nhiều bệnh nhân trước khi đến đây, có thể họ đã đi nhiều bệnh viện khác. Do đó, chúng tôi càng phải đảm bảo việc phục vụ, chăm sóc bệnh nhân một cách tốt nhất, chứng minh năng lực của mình để mang đến sự hài lòng tối đa cho người bệnh”.
Niềm hạnh phúc nhân ba
Trong thời gian làm việc tại Bệnh viện Hiếm muộn Việt – Bỉ, điều dưỡng Minh Thoại đã trải qua nhiều khoảnh khắc đầy xúc động, nhưng kỷ niệm đáng nhớ nhất lại là cách đây hơn 5 năm, chị là người trực tiếp lấy máu để thử beta – hCG cho một nữ bệnh nhân đã trải qua nhiều lần chuyển phôi mà không thành. “Ngay sau khi bệnh nhân nhận tờ xét nghiệm beta – hCG có kết quả chuyển phôi thành công, bệnh nhân liền tới ôm tôi và khóc òa lên vì hạnh phúc. Cảm giác trải qua bao khó khăn được đón nhận kết quả beta – hCG là điều thiêng liêng khó tả, và nó cũng khiến những điều dưỡng như tôi và đồng nghiệp cảm thấy vui sướng và hạnh phúc như chính mình đón nhận cái kết ngọt ngào này vậy”, Chị Thế Thị Minh Thoại tâm sự.
Còn đối với điều dưỡng trưởng Trương Thị Hường, kỷ niệm đáng nhớ nhất có lẽ là vào dịp Tết nguyên đán. Chị chia sẻ “Nhiều bệnh nhân biết tin mang thai vào dịp cuối năm và quyết định ở lại bệnh viện để ăn tết cùng với chúng tôi cho yên tâm. Đó là lúc chúng tôi thực sự cảm nhận rằng bệnh viện như một ngôi nhà, và bệnh nhân như là gia đình của chúng tôi. Tôi và đội ngũ điều dưỡng luôn sẵn sàng cùng nhau chia sẻ, động viên, để người bệnh có một tinh thần thoải mái nhất, vui vẻ đón Tết và sẵn sàng tâm lý đón em bé đầu lòng”.
Mỗi cặp vợ chồng điều trị ở bệnh viện, khi có con, niềm hạnh phúc không chỉ nhân hai, mà là nhân ba, nhân bốn… Bởi, chính những người điều dưỡng hay bác sĩ đồng hành cùng họ cũng cảm thấy hạnh phúc không kém khi đã thành công mang đến một sinh linh mới trên thế giới này.
Những niềm vui, niềm hạnh phúc ấy tưởng chừng như không thuộc về họ. Thế nhưng, lại trở thành động lực để những nữ điều dưỡng như chị Hường, chị Thoại hay những điều dưỡng viên tại Bệnh viện Hiếm muộn Việt – Bỉ tiếp tục cống hiến, học hỏi và trưởng thành hơn nữa trong công tác chăm sóc, phục vụ người bệnh ngày một tốt hơn.