ĐA NANG BUỒNG TRỨNG: NGUYÊN NHÂN, DẤU HIỆU NHẬN BIẾT VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ

Trang chủ Thông tin ĐA NANG BUỒNG TRỨNG: NGUYÊN NHÂN, DẤU HIỆU NHẬN BIẾT VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ

Hiện nay, tỷ lệ phụ nữ mắc phải hội chứng buống trứng đa nang ngày một gia tăng. Đây là nguyên nhân thường gặp khiến người phụ nữ bị vô sinh. Để ngăn ngừa nguy cơ bị vô sinh hoặc ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, mỗi chúng ta cần nắm được đa nang buồng trứng là gì và những dấu hiệu thường gặp để điều trị sớm. Bác sĩ Hoàng Thị Hiên – Khoa Hiếm muộn, Bệnh viện CK Nam học và Hiếm muộn Việt – Bỉ chia sẻ dưới bài viết sau đây, mời quý vị và các bạn cùng đón đọc.

1. Hội chứng buồng trứng đa nang (BTĐN) là gì?

Buồng trứng đa nang là buồng trứng có nhiều nang trứng. Tuy nhiên, đây là một hội chứng gồm tập hợp nhiều triệu chứng liên quan đến các vấn đề sức khỏe như chuyển hóa, sinh sản, tâm lý. Do đó, phụ nữ mắc BTĐN cần được thăm khám và tư vấn kĩ để được chăm sóc toàn diện. Tỷ lệ của hội chứng BTĐN khoảng 8-13% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.

2. Những nguyên nhân dẫn đến BTĐN?

Nguyên nhân của hội chứng BTĐN hiện nay vẫn chưa được tìm ra đầy đủ. Một số nguyên nhân được đề cập đến như:

Di truyền học

Phụ nữ mắc hội chứng BTĐN có khả năng có mẹ, dì hoặc chị gái mắc BTĐN cao hơn 50% so với phụ nữ không có BTĐN. Tình trạng này phổ biến hơn ở một số chủng tộc và vùng địa lý, trong đó có phụ nữ châu Á.

Lối sống

Lối sống bao gồm thực phẩm và sinh hoạt hàng ngày có thể làm cho các triệu chứng của hội chứng BTĐN trở nên nghiêm trọng hơn hoặc ít hơn. Do đó trong điều trị hội chứng BTĐN, điều chỉnh lối sống là một ưu tiên được thực hiện.

Kháng insulin:

Insulin là một loại hormone được sản xuất tại tuyến tụy cho phép sử dụng đường (glucose), cung cấp năng lượng chính cho cơ thể. Khi có đề kháng insulin, hiệu quả hoạt động của insulin bị suy giảm và tuyến tụy tăng tiết insulin. Insulin dư thừa được cho là đẩy mạnh sản xuất  Androgen của buồng trứng. Tăng Androgen có thể cản trở sự phát triển của nang trứng, làm giảm khả năng rụng trứng của buồng trứng. Ngoài ra, tăng insulin cũng có thể khiến mọi người tăng cân dễ dàng hơn và có thể làm tăng sự thèm ăn và dẫn đến bệnh đái tháo đường.

3. Dấu hiệu nhân biết hội chứng BTĐN?

Kinh thưa hay không có kinh (rối loạn phóng noãn).

Số lần hành kinh trong một năm < 8 lần, hoặc chu kỳ > 35 ngày.

Vô kinh tức là không có kinh từ > 6 tháng và cần phải sử dụng thuốc mới có kinh được.

Khoảng gần 80% bệnh nhân BTĐN có biểu hiện này, nghĩa là hơn 20% còn lại hành kinh đều bình thường.

Hiếm muộn

Là một trong những lý do thường gặp ở bệnh nhân có hội chứng BTĐN đến khám. Hiếm muộn được định nghĩa khi 2 vợ chồng không có thai hoặc không có con sau ít nhất 1 năm giao hợp bình thường, không áp dụng các biện pháp tránh thai, nếu người vợ trên 35 tuổi thì thời gian trên là 6 tháng.

Biểu hiện rối loạn nội tiết tố (cường androgen): Rậm lông, mụn mặt, da nhờn, hói đầu giống nam giới hoặc biểu hiện trên xét nghiệm nội tiết

Béo phì: Thường gặp bệnh nhân dễ tăng cân và béo phì (hay gặp béo vùng bụng), tuy nhiên, một số trường hợp bệnh nhân rất mình hạc xương mai.

Hình ảnh BTĐN trên siêu âm: Là một trong ba tiêu chuẩn để chẩn đoán hội chứng BTĐN

Cảm xúc thay đổi: như lo lắng, buồn phiền nhiều hơn về các vấn đề về hiếm muộn, ngoại hình,…

4. Ảnh hưởng của hội chứng BTĐN đến sức khỏe?

Buồng trứng đa nang có thể gây vô sinh hiếm muộn

Người bị BTĐN có thể hiếm muộn, vô sinh do nồng độ hormone nam cao ngăn cản sự rụng trứng. Ngoài ra, thừa cân làm giảm khả năng sinh sản và có thể góp phần khiến phụ nữ mắc BTĐN mất nhiều thời gian hơn để thụ thai.

Hiện nay, phụ nữ có BTĐN có thể tăng cơ hội có con bằng cách thay đổi lối sống và điều trị vô sinh.

– Buồng trứng đa nang ảnh hưởng đến thai kỳ

– Sảy thai sớm

– Đái tháo đường thai kỳ

– Tăng huyết áp thai kỳ

– Sinh non

– Trẻ nhẹ/ nặng cân so với tuổi thai

– Mổ lấy thai

– Tử vong chu sinh

Phụ nữ bị buồng trứng đa nang khi mang thai cần được thăm khám thường xuyên trong thai kỳ nhằm tầm soát các biến chứng của hội chứng BTĐN.

– Nguy cơ sức khỏe lâu dài

– Tăng huyết áp

– Đái tháo đường

– Bệnh tim mạch

– Ung thư nội mạc tử cung

– Rối loạn tâm thần

Phụ nữ có hội chứng BTĐN làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý trên, tuy nhiên đây là những bệnh lý có thể tầm soát qua khám sức khỏe định kì.

5. Buồng trứng đa nang muốn có con phải làm gì?

Xuất phát từ nguyên nhân, chúng ta có thể đưa ra các phương pháp để cải thiện cơ hội có thai cho phụ nữ BTĐN:

Kiểm soát Insulin: thường xuyên hoạt động thể chất và kiểm soát cân nặng

Việc hoạt động thể chất thường xuyên có thể giúp insulin hoạt động tốt hơn và giảm kháng insulin đáng kể.

Kiểm soát cân nặng (giảm 5% trọng lượng) đã được chứng minh là một cách hiệu quả để giảm mức độ insulin và tăng cơ hội mang thai cho phụ nữ mắc BTĐN.

Thay đổi lối sống: thường xuyên tập thể dục, chế độ ăn ít tinh bột, đường, giàu chất xơ, giàu đạm thực vật, vitamin,…ngừng sử dụng thuốc lá.

Theo dõi chu kỳ hàng tháng: theo dõi sự rụng trứng theo chu kỳ hoặc sử dụng que thử trứng và quan hệ tình dục quanh thời kỳ rụng trứng để tăng cơ hội đậu thai.

Điều trị bằng thuốc: Nếu bạn đã thực hiện các biện pháp trên sau khoảng 6 tháng mà tình hình vẫn không cải thiện hơn, bạn có thể cần đến các xét nghiệm sinh sản, được bác sĩ kê thuốc để kích trứng giúp mang thai cao hơn. Việc theo dõi khi kích thích buồng trứng cho nhóm bệnh nhân BTĐN đòi hỏi bác sĩ phải nhiều kinh nghiệm. Đáp ứng với thuốc kích thích buồng trứng của bệnh nhân BTĐN rất đa dạng, và hậu quả gần nhất nếu không xử lý tốt là quá kích buồng trứng và đa thai.

Phẫu thuật: Nội soi đốt điểm buồng trứng nếu thuốc không có tác dụng. Phương pháp này thích hợp cho nhóm bệnh nhân trẻ tuổi, thời gian mong con ngắn. Tuy nhiên, bên cạnh những tai biến phẫu thuật thì đốt điểm buồng trứng còn có nguy cơ giảm dự trữ buồng trứng do huỷ mô lành. Do đó phương pháp này cần được cân nhắc kĩ trên từng bệnh nhân.

Các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản: Thụ tinh nhân tạo (IUI), thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) mang lại cơ hội thụ thai tốt hơn cho phụ nữ buồng trứng đa nang. Hiện nay đây là các phương pháp tiên tiến, có tỉ lệ thành công cao, giảm được các nguy cơ của các phương pháp điều trị trên.

Như vậy, hội chứng buồng trứng đa nang là 1 vấn đề sức khỏe cần thăm khám toàn diện, thường xuyên. Với những tiến bộ trong y học hiện nay, phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang, đang mong con hoàn toàn có cơ hội có con với tỉ lệ khá cao, bạn nên tiến hành thăm khám sớm để được bác sĩ khám và tư điều trị.

Hy vọng rằng bài viết đã phần nào giải đáp được những thắc mắc của bạn về hội chứng đa nang buồng trứng. Chị em phụ nữ cần khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần, và đến ngay cơ sở y tế khi có những triệu chứng bất thường để can thiệp điều trị sớm, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.

Bs Hoàng Thị Hiên – Bệnh viện CK Nam học và Hiếm muộn Việt Bỉ

Chia sẻ bài viết
  •  
  •  
  •  
  •  
  •