Đáng sống” – Phim tài liệu sinh con với người đã mất, Chiến thắng ung thư…

Trang chủ Thư viện Đáng sống” – Phim tài liệu sinh con với người đã mất, Chiến thắng ung thư…

Chùm phim truyền cảm hứng lạc quan và khát vọng sống mãnh liệt khi con người tìm được lối thoát khỏi nghịch cảnh.

Đáng sống công chiếu từ ngày 18/11.

Sau Lửa Thiện Nhân gây tiếng vang năm ngoái, đạo diễn Đặng Hồng Giang tiếp tục ra mắt chùm phim tài liệu Đáng sống, gồm ba phim ngắn:Mầm sống, Đáng sống và Một con đường.

Mỗi phim là một câu chuyện độc lập, song tinh thần chung là sự lạc quan và khát vọng mãnh liệt, tái hiện những mảnh đời bất hạnh dám đứng lên, tìm cách thoát khỏi số phận.

imgres

Mầm sống kể về chị Hoàng Thị Kim Dung sinh con từ tinh trùng của người chồng đã chết. Sự kiện diễn ra năm 2013 và nhiều lần xuất hiện trên mặt báo, tuy nhiên cách khai thác của phim đem tới cảm xúc mới mẻ. Qua lời kể của chị Dung, quá khứ dần được tái hiện từ ngày đầu anh chị gặp nhau, tình yêu thăng hoa, rồi đến lúc người chồng qua đời vì tai nạn tàu hỏa. Với sự giúp đỡ của bác sĩ Vệ, chị lưu giữ tinh trùng chồng rồi cấy ghép để mang thai ba năm sau đó.

Không đơn thuần thuật lại câu chuyện, Mầm sống còn lột tả những suy nghĩ, tâm tư của chị Dung dẫn đến quyết định táo bạo này. Ngoài ra, phim bổ sung nhiều thông tin y khoa giúp khán giả hiểu hơn về trường hợp được ngợi ca là “thành tựu của tình yêu và y học”.

Hình ảnh những đứa trẻ cười đùa cùng lời bộc bạch của chị Dung rằng “bóng dáng chồng như đang ở cạnh” mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Con người có thể nằm xuống nhưng tình yêu thì còn mãi, truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Trong phim thứ hai – Đáng sống, nhân vật chính là Tăng A Đẩu, một doanh nhân bị ung thư được chẩn đoán chỉ còn sống vài tháng. Không ở yên chờ chết, anh dành khoảng thời gian còn lại cho công việc chụp ảnh các loài chim quý hiếm. Người đàn ông điềm tĩnh kể lại cuộc đời mình với nhiều cung bậc cảm xúc, từ những va vấp tuổi trẻ đến nỗi đau khi phát hiện bệnh, từ quyết tâm thay đổi lối sống đến lòng ngưỡng mộ vẻ đẹp của tự nhiên.

Ánh mắt anh Đẩu sáng lên khi nói đến niềm đam mê chim chóc đã dẫn anh đi khắp đất nước. Có lúc, người đàn ông theo đuổi những con chim độc đáo suốt nhiều ngày và chỉ gặp được nó nhờ duyên kỳ ngộ. Hiện tại, anh sở hữu bộ sưu tập ảnh chim lớn nhất Việt Nam, bao gồm nhiều loài quý hiếm. Tình yêu thiên nhiên và khát vọng lớn lao được cho là yếu tố giúp nhân vật chính vẫn sống khỏe sau 11 năm phát bệnh.

Phim ngắn cuối cùng – Một con đường – đưa khán giả đến mảnh đất Quảng Trị một thời khói lửa. Chiến tranh qua đi nhiều năm nhưng vẫn để lại di chứng là những quả bom mìn rải rác. Cái nghèo khiến nhiều người dân mưu sinh bằng nghề rà tìm phế liệu. Dù biết rõ nguy cơ, họ vẫn chấp nhận đánh cược với tử thần. Anh Nguyễn Ngọc Triệu là một trong số đó với gánh nặng kiếm tiền để nuôi con học đại học. Cách anh bất chấp hiểm nguy để nuôi con khiến khán giả vừa khâm phục, vừa xót xa cho nỗi đau thời hậu chiến ở Quảng Trị.

Đạo diễn Đặng Hồng Giang lựa chọn ba câu chuyện ở ba miền Bắc – Trung – Nam, các nhân vật chính có vị trí xã hội khác nhau: trí thức – doanh nhân – nông dân. Chị Kim Dung là một tiến sĩ học ở Pháp nên có phong thái nền nã và chu đáo. Anh Tăng A Đẩu mang khí khái hào sảng của một doanh nhân Nam bộ. Anh Nguyễn Ngọc Triệu là một người dân nghèo sống có tình, chân phương.

Với việc đa dạng hóa tuyến nhân vật, đạo diễn muốn truyền tải thông điệp vượt qua không gian và giai tầng xã hội. Đó là niềm tin và sự lạc quan có thể giúp con người chiến thắng tai ương. Cả ba phim đều khởi đầu bằng nghịch cảnh nhưng cuối cùng mở ra lối thoát.

Nhìn chung, Đặng Hồng Giang vẫn giữ được cách kể nhẹ nhàng, cân bằng tốt giữa hình ảnh và phần thoại nên không tạo cảm giác phim “nhiều lời”. Ông cũng không áp đặt lời bình mà để nhân vật tự chia sẻ câu chuyện, qua đó bộc lộ hiện thực một cách tự nhiên. Phần nhạc phim gồm những ca khúc như Nhạc rừng, Hoàng hôn dốc vang lên hợp cảnh giúp đẩy cảm xúc người xem lên cao.

So với Lửa Thiện Nhân, phim mới trau chuốt hơn về mặt hình ảnh với nhiều khuôn hình đẹp mắt, đặc biệt trong phim ngắn thứ hai. Câu chuyện thứ ba gây ấn tượng với nhiều cảnh quay chân thực tại hiện trường. Trong buổi ra mắt phim tại Hà Nội, đạo diễn chia sẻ đã mua bảo hiểm cho cả 11 người trong đoàn trước khi đến Quảng Trị. Họ trực tiếp quay cảnh người dân đào cuốc bom mìn và thực hiện vài cuộc phỏng vấn ngay cạnh một quả bom chưa được di dời.

Chia sẻ bài viết
  •  
  •  
  •  
  •  
  •