DINH DƯỠNG GIÚP TĂNG SỨC ĐỀ KHÁNG TRONG MÙA COVID – 19

Trang chủ Thông tin DINH DƯỠNG GIÚP TĂNG SỨC ĐỀ KHÁNG TRONG MÙA COVID – 19

Nếu khẩu trang và nước sát khuẩn được xem như lớp bảo vệ con người bên ngoài trong mùa dịch Covid thì sức đề kháng, hệ miễn dịch khỏe mạnh là chiếc áo giáp bảo vệ sức khỏe từ bên trong. Để có một cơ thể khỏe mạnh chống chọi với sự xâm nhập của các virut gây bệnh thì chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng.

Vai trò của hệ miễn dịch với cơ thể

Covid-19 đang bùng phát trở lại ở nước ta và nhiều nước trên thế giới. Mặc dù chúng ta đã triển khai tiêm vắc-xin để phòng bệnh nhưng chưa thể tiêm phòng cho tất cả các đối tượng, do đó người dân cần chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh đã được khuyến cáo, đồng thời tăng cường sức đề kháng cho bản thân. Cơ thể khỏe mạnh sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh, đồng thời phục hồi nhanh nếu không may bị lây nhiễm. Việc chủ động nâng cao sức đề kháng kết hợp với các biện pháp phòng dịch sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh.

Tăng sức đề kháng bằng cách nào?

Tăng sức đề kháng bằng nhiều cách, trong đó chế độ dinh dưỡng cân bằng, đảm bảo không bị thiếu hụt các dưỡng chất thiết yếu chính là chìa khóa. Cần cung cấp đủ chất đạm, tinh bột, kiểm soát chất béo, tăng cường các vitamin và khoáng chất như A,D, C, kẽm, selen, sắt, probiotic…

Theo khuyến nghị, với một người trưởng thành ở Việt Nam, mỗi người cần 1800-2200kcal/ ngày. Để cung cấp đủ năng lượng theo mức khuyến nghị, thì lượng đạm cần thiết cho mỗi người là 0,8-1,2g/kg cân nặng/người/ngày, trong 100g thịt cá có khoảng 17-18g protein, như vậy mỗi người cần 200-250g (thịt, cá) ngày/người. Nhóm bột đường là nhóm chính chiếm 60-70% năng lượng, tương đương 250-300g/người/ngày. Bổ sung tinh bột từ gạo, khoai lang, bún, miến, phở, bánh mì…

Chất béo cung cấp từ 18-25% nhu cầu năng lượng, ngoài lượng chất béo trong thực phẩm cần bổ sung thêm từ dầu thực vật, mỡ động vật. Nhu cầu chất béo cho mỗi người là 25-30g/người/ngày tương đương với 4 thìa canh chất béo.

Mỗi người cần sử dụng khoảng 400-500g rau củ/người/ngày. Nên cung cấp đa dạng các loại rau củ bởi mỗi loại chứa một loại vitamin, khoáng chất riêng. Quả chín nên sử dụng từ 200-300g/người/ngày.

Ngoài ra cần bổ sung thêm các loại muối khoáng như sắt, canxi, kẽm. Nước bổ sung theo cân nặng 40ml/kg cân nặng, mỗi người trưởng thành cần khoảng 2 lít nước/ ngày.

Chế độ dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng, tăng cường hệ miễn dịch khỏe mạnh cần lưu ý một số vấn đề sau:

Cung cấp đủ các dưỡng chất cho cơ thể. Tăng cường bổ sung chất đạm bởi chất đạm cung cấp các axit amin – là nguyên liệu cho cơ thể sản xuất các tế bào của hệ thống miễn dịch như bạch cầu, lympho. Trong giai đoạn chiến đấu với bệnh tật, đòi hỏi các tế bào này phải tăng lên. Đạm có nhiều trong thịt, cá trứng, sữa, tôm, cua. Đường bột (glucid) chủ yếu trong gạo, mì, ngô, khoai sắn, bánh kẹo. Chất béo có trong dầu thực vật và mỡ động vật.

Cần chú ý bổ sung các loại viamin A, B, C, D, E… Các vitamin này góp phần nâng cao hệ miễn dịch, nâng cao sức đề kháng cho cơ thể. Vitamin A có trong gan cá, trứng, sữa… Beta carotene (tiền chất của vitamin A ) có trong rau, củ, quả màu vàng đỏ như gấc, cà chua, cà rốt, bí đỏ… Vitamin C có trong bưởi, cam, chanh, ổi, các loại rau xanh như rau ngót, rau cải. Vitamin D có trong các thực phẩm có nguồn gốc động vật như thịt, cá, trứng, sữa. Vitamin E có trong các loại ngũ cốc, hạt hướng dương, hạt bí, hạnh nhân. Canxi có trong tôm, cua, sữa, vừng, mè… Các vi khoáng sắt, kẽm, selen có trong thịt đỏ, hàu, sò, măng tây, ngũ cốc. Không tự ý bổ sung các loại thực phẩm chức năng, thuốc, các loại vitamin nếu không có sự hướng dẫn cụ thể của các bác sĩ.

Bổ sung lượng nước vừa đủ cho cơ thể, ngoài ra còn có thể sử dụng thêm nước dừa, sữa, nước mía, nước ép cam, bưởi, chanh mỗi ngày. Nước chanh mật ong nên uống ấm, các loại nước hoa quả không nên cho thêm đường và đá vào.  

Bổ sung thêm gừng, tỏi, đặc biệt là tỏi sống cũng rất tốt cho hệ miễn dịch và sức đề kháng của cơ thể.

Đối với người cao tuổi, trẻ nhỏ, người mắc các bệnh lý mãn tính… thì bổ sung dinh dưỡng cần đặc biệt lưu ý. Với trẻ nhỏ đang trong giai đoạn phát triển cần bổ sung tăng cường chất đạm, trẻ dưới 1 tuổi cần 100-150g thịt cá/ ngày, trẻ từ 1-3 tuổi cần 150-200g thịt cá mỗi ngày. Bổ sung thêm trứng, sữa, sữa chua, khuyến khích trẻ ăn thêm rau xanh và quả chín để tăng sức đề kháng. Nếu trẻ không ăn được múi, miếng, có thể xay thành nước ép cho trẻ uống. Người già cần chú ý bổ sung các loại thực phẩm bổ dưỡng như ức gà, cá, sữa, hoa quả. Thực phẩm cần chế biến ở dạng mềm, nhừ, dễ tiêu, ít gia vị. Người bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, suy thận… cần tuân thủ chế độ ăn theo nguyên tắc của từng bệnh.

Một chế độ dinh dưỡng lành mạnh là cách tốt để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể. Thế nhưng mọi việc chỉ mang lại kết quả tốt với điều kiện thực phẩm bổ sung là thực phẩm sạch, có chất lượng và có nguồn gốc xuất xứ. Cùng với bổ sung dinh dưỡng thì việc tập luyện thể dục thể thao có vai trò quan trọng trong nâng cao sức khỏe mỗi người. Luôn mang khẩu trang khi đi ra ngoài, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, như vậy mới hạn chế được sự sự lây lan của dịch bệnh.

Theo suckhoedoisong.vn

Chia sẻ bài viết
  •  
  •  
  •  
  •  
  •