Chào mọi người!
Tôi muốn kể về hành trình dài đầy cảm xúc của gia đình tôi tại Bệnh viện Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Việt – Bỉ, nơi đã giúp chúng tôi chào đón thiên thần nhỏ – bé Đậu Đậu.
Cuộc thi lần này không chỉ là cơ hội để chia sẻ những câu chuyện cảm động mà còn là dịp để lan tỏa tình yêu thương và niềm tin đến những gia đình đang trên hành trình tìm con yêu. Hy vọng rằng những dòng chia sẻ của tôi sẽ tiếp thêm động lực và hy vọng cho những ai vẫn đang trên con đường này.
Tôi và chồng có một cuộc tình đẹp, đã đang và sẽ mãi như thế. Mọi thứ thật tuyệt vời khi Đậu Đậu của chúng tôi chào đời 3.3kg khỏe mạnh. Kết thúc 9 tháng 5 ngày bầu bí, khoảng thời gian hạnh phúc trong lo lắng và hồi hộp nhất đối với vợ chồng tôi. Chẳng là vợ chồng tôi không may mắn như các cặp vợ chồng khác vì cả hai đều là người khuyết tật. Chồng tôi bị chấn thương cột sống khi anh mới 13 tuổi chỉ vì ngã cây. Từ ngày đấy anh phải ngồi xe lăn và khá nhút nhát trong vấn đề giao tiếp với người lạ vì mặc cảm tự ti, buồn tủi. Một cảm giác rất phổ biến mà gần như người khuyết tật nào cũng có, trong đó có cả tôi. Có điều đối với tôi, nó ổn hơn rất nhiều khi tôi trưởng thành và tự lập.
Tôi quen anh khi tham gia một buổi liên hoan. Trên đường về thì xe hỏng và anh bạn cùng nhóm đã gọi điện nhờ anh giúp đỡ vì bố anh sửa xe,… mọi thứ đã bắt đầu như thế. Tôi và anh quen nhau. Gần 4 năm quen nhau tới yêu đương phần lớn liên lạc bằng những cuộc gọi và tin nhắn. Lâu lâu, tôi lại tới nhà anh chơi bằng chiếc xe máy ba bánh của mình. Sở dĩ chúng tôi đã yêu lâu vậy mà không cưới là do anh tự ti, sợ đường con cái khó khăn. Cảnh vợ chồng không con sẽ khiến tôi khổ. Với tôi, khi xác định rõ mối quan hệ với anh, tôi đã xác định rõ ngay cả trường hợp xấu nhất sẽ như nào. Nên tôi đã khá vững lập trường, thậm chí đã động viên, thuyết phục anh nhìn vào mặt tốt đẹp nhất trong mối quan hệ của chúng tôi. Cảnh tôi và anh dừng lại, khiến mối quan hệ chỉ dừng lại ở đó và trở thành bạn bè rồi thành bạn cũ, ít liên lạc dần rồi một ngày có thể tôi và anh sẽ gặp gỡ một ai đó và kết hôn là điều mà tôi không dám nghĩ tới. Tôi cố gắng thuyết phục anh bằng tất cả lý lẽ của mình, rằng mình nghĩ gì, kiên định ra sao,…
Và rồi có thể bằng một cách nào đấy vũ trụ đã tác động đủ để anh có can đảm tới Bệnh viện Việt Bỉ kiểm tra sức khỏe sinh sản, nơi một người bạn cùng cảnh cũng đã thành công với 2 em bé vô cùng đáng yêu, nơi có những bác sĩ trẻ nhiệt huyết với nghề, thương và đồng cảm với bệnh nhân. Vậy là bác sĩ tiến hành kiểm tra, thật may mắn khi tinh trùng của anh khỏe mạnh và đạt yêu cầu làm IVF. Bác sĩ tiến hành thủ thuật lấy được 4 cóng tinh trùng rồi cấp đông. Anh cho tôi biết sau đó một tuần, đấy là niềm vui không tả xiết. Mặc dù tôi biết con đường chúng tôi đi phía trước còn rất nhiều gian nan, vất vả, bởi làm IVF với người thường còn khó khăn đừng nói gì đến với cặp vợ chồng khuyết tật như chúng tôi. Sức khỏe, kinh tế vân vân và mây mây…
Mẹ sinh tôi ra vốn là đứa trẻ khỏe mạnh cho tới khi 9 tháng tuổi tôi tập đi đã xảy ra một tai nạn nhỏ. Tôi ngã và va đập vào đầu. Nghĩ là bình thường, mọi người không đưa đi chụp chiếu mà điều kiện y tế cũng không được như bây giờ. Nghe mọi người kể lại, tối đó tôi sốt co giật, tôi được nhập viện và điều trị cả mấy tháng liền không khỏi. Di chứng để lại là tôi bị liệt, yếu nửa người trái và kèm theo có tiền sử bệnh động kinh. Tôi phải dùng thuốc hàng ngày và điều này lại khiến việc điều trị khi tiến hành làm IVF khó khăn hơn. Khi bác sĩ Luyện Thị Ngọc Dung nói bác chưa gặp ca nào có mẹ bị động kinh. Lúc đó, tôi nhớ bác Dung có liên hệ và giới thiệu tôi với bác sĩ Hiền, bác sĩ khoa tâm thần Bệnh viện Đại học Y Hà Nội điều trị đổi thuốc, do thuốc tôi đang dùng có ảnh hưởng không tốt tới con. Vậy là đợt điều trị đổi thuốc diễn ra trong vòng 2 – 3 tháng gì đó. Và tôi gặp phải vấn đề không hợp thuốc. Bác sĩ Hiền yêu cầu nếu thực hiện đổi thuốc không thành công, tôi buộc phải duy trì thuốc cũ và vẫn tiến hành làm IVF bình thường. Áp lực đè nặng lên vai đội ngũ bác sĩ lẫn bệnh nhân. Thật may khi tôi chỉ bị động kinh nhẹ và có kiểm soát, nên sau này khi tiến hành gây mê chọc hút trứng đã diễn ra suôn sẻ.
Tiêm kích trong vòng 12 ngày tới ngày thứ 13 thì tiêm một mũi trưởng thành trứng. Bác sĩ báo tôi được 10 trứng. Vui mừng lẫn lo lắng bởi giai đoạn tiếp theo mới quan trọng. Tôi hồi hộp không biết liệu sau khi thụ tinh thì liệu được mấy phôi? Liệu phôi phát triển có tốt không? Có vô vàn câu hỏi xuất hiện trong đầu tôi lúc đó bởi vì lo lắng quá mà ra. Tôi chờ 3 ngày sau, bác sĩ báo tôi biết tôi có 5 phôi ngày 3. Đợi thêm 2 ngày nữa bác sĩ báo lại tôi có 3 phôi ngày 5 và niêm mạc tử cung dày đẹp, đủ điều kiện chuyển phôi tươi. Mừng nhưng cũng lo vì ít phôi. Các bác sĩ thấy tôi lo lắng thì cũng có giải thích để tôi hiểu rõ hơn. 3 phôi cũng là bình thường, có những người 1 phôi nhưng chất lượng phôi tốt thì 1 phôi vẫn đậu thai. Nên các bác khuyên tôi đừng quá lo lắng. Nhiều phôi mà không đậu cũng cứ hoàn không đậu. Việc đậu thai phụ thuộc nhiều yếu tố như chất lượng phôi, cơ địa của người mẹ và kể cả tinh thần người mẹ, rồi khả năng thích ứng của phôi sau khi chuyển vào cơ thể mẹ cũng rất quan trọng.
Lúc đấy vợ chồng tôi nói chuyện, anh có nói với tôi: “Anh nghĩ em chuyển phôi bây giờ chưa chắc đã đậu đâu. Mặc dù niêm mạc tốt nhưng bác sĩ cũng nói việc đậu phôi ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Em căng thẳng nhiều ngày, mất ngủ, cơ thể mệt mỏi,… anh nghĩ em nên suy nghĩ rồi quyết định. Còn chuyển hay không tùy em quyết định, anh sẽ ủng hộ em.” Và ngay tại thời điểm đó tôi đã nghĩ cứ chuyển đi, may mắn mình sẽ sớm có con, dù sao công đoạn chuyển phôi này cũng chỉ tốn 10 triệu,… Đấy tôi đã nghĩ đơn giản vậy, rồi tôi đã chuyển 1 phôi tốt nhất mà tôi có. Kết quả sau khi thử que tôi không đậu thai, test beta thì lại đậu. Sau hai ngày, tôi test lại beta lần nữa, beta giảm vậy là phôi không đậu. Cảm xúc trong tôi lên xuống liên tục. Nó khiến tôi từ hồi hộp, vui mừng đến lo lắng và thất vọng.
Sau 1 năm diễn ra Covid, tôi chuyển phôi lần hai. Lần này vì có sẵn phôi nên mọi thứ diễn ra khá nhẹ nhàng với tôi. Tôi ở nhà chăm sóc cơ thể mình thật tốt, uống nước đậu nành gần như thay nước trắng, ăn trứng gà luộc mỗi sáng và uống thuốc do bác sĩ kê. Đến ngày hẹn tôi ra làm một số xét nghiệm cần thiết rồi chuyển phôi. 8 giờ sáng, tôi vào viện làm thủ tục, 11 giờ tiến hành chuyển phôi. Và sau khi chuyển phôi 3 tiếng tôi bắt Grab ra bến xe khách về, thay vì có người đưa đi đưa về bằng xe con như lần trước. Tôi lo lắng vì lúc ra về suýt muộn xe nên tôi có đi vội vàng sợ ảnh hưởng tới phôi mới chuyển. Nhưng nhớ tới lời bác sĩ Dung nói: “Các chị cứ lo phôi nó bị tuột ra nhưng thực tế nó đâu dễ tuột thế. Chị có phi xe máy cả ba chục cây cũng vẫn oke, không sao hết.” và bằng niềm tin vào bác sĩ tôi đã nghĩ không sao hết, mọi thứ sẽ tốt đẹp thôi.
Trên đường về, tôi gọi bảo chồng những thứ mà bác sĩ dặn tôi kiêng và dặn anh làm món ăn yêu thích của tôi, thịt ba chỉ luộc cuốn lá sung. Cảm giác chuyển phôi xong được về nhà với chồng thật là tốt. Tối đến hai vợ chồng nằm ngủ, sờ tay lên bụng mình, cảm giác một nhà ba người đang ở cùng một chỗ thật tuyệt. Một niềm tin mãnh liệt mình chắc chắn sẽ đậu bắt đầu nhen nhóm từ đó.
Trải qua những ngày dài chờ đợi, tôi ngoài việc ăn, đọc ngôn tình trong phòng điều hòa ra thì thi thoảng mát trời tôi ra ngoài phụ chồng bán hàng vì nhà tôi có một cửa hàng tạp hóa nhỏ. Rồi khi nhập hàng, đồ nặng bên đại lý họ tự bê, những đồ khác mình phải tự dọn nên tôi vẫn ra phụ chồng dọn hàng. Các bác sĩ cũng khuyên làm việc nhẹ nhàng chứ không nên kiêng tuyệt đối hay nằm trên giường quá nhiều bởi việc hoạt động sẽ giúp cung cấp máu tốt hơn cho tử cung. Ngày qua ngày cứ thế trôi qua cho tới khi có kết quả test beta lần một, beta trên 50. Chồng tôi vào báo kết quả mà tôi vui không lời nào tả xiết và khi nhìn vào mắt anh tôi biết anh cũng vậy.
Cả gia đình chỉ chờ từng giờ nghe chúng tôi báo kết quả, mặc dù đó chỉ là một dấu hiệu nhỏ chưa có gì đảm bảo. Chính tôi đã từng vui mừng như thế rồi lại thất vọng. Kết quả 2 ngày sau thật tuyệt vời khi beta tăng hơn 2 lần. Bác sĩ bảo vậy là đã đậu rồi đấy, chỉ còn chờ siêu âm xem em bé thế nào thôi. Vậy mà khi siêu âm bác sĩ báo thai đã vào tổ nhưng chưa có tim thai, chưa thấy noãn hoàng và ghi rõ có túi trống âm 9mm. Ôi thôi, thế là tôi dành hết thời gian của mình lên mạng đọc tất cả những trường hợp có túi trống âm mà chưa thấy tim thai và không có noãn hoàng. Thật không tin được khi tôi đọc thấy có đoạn nói rõ có khả năng nó chỉ là trứng trống. Tôi hiểu nôm na nó là dạng có vỏ mà không có ruột. Tôi lo lắng không thôi khi mà bác Dung cũng nói rõ khoảng thời gian tôi đi siêu âm đó đáng lí phải có noãn hoàng rồi mới đúng.
Chồng tôi thì ra sức an ủi: “Bác sĩ đã bảo để tuần sau siêu âm lại xem sao rồi mà. Nó đậu là đậu, không đậu là không đậu. Em cứ lo lắng như này càng ảnh hưởng không tốt tới con. Em phải chấp nhận kể cả khi điều tồi tệ nhất xảy ra. Người ta còn chuyển phôi 5-6 lần mới đậu là bình thường mà.” Thế đấy, tôi buồn rầu 2-3 ngày rồi nghĩ kệ đi. Đã thế nếu không đậu thật thì mình ra chuyển nốt phôi còn lại. Nếu không đậu nữa mình lại chọc trứng tiếp,… Giờ nghĩ lại tôi thật sự không biết mình lúc đó lấy đâu ra động lực mà nghĩ lạc quan vậy đâu. Tôi nhớ rõ hôm đó mùng 01/06, em gái tôi báo nó sinh cháu thành công, cháu 3.8kg. Tôi báo lại nó chị có thai rồi, thai làm tổ đẹp có tim thai rồi. Tin tốt đến cùng lúc, nhà tôi vui như tết. Vợ chồng tôi báo tin cho ông bà nội ngoại hai bên. Có điều cũng để tránh lo lắng, đến tuần thứ 12 vợ chồng tôi làm xét nghiệm NIPT cho con để sàng lọc dị tật, thật may kết quả đều tốt, con khỏe mạnh. Mọi thứ cứ tuyệt vời như thế trong suốt hơn 9 tháng mang bầu. Lần khám thai nào cũng đều là tin tốt. Khi được 9 tháng 5 ngày vẫn không thấy dấu hiệu chuyển dạ, chúng tôi quyết định sinh mổ cho an toàn cả mẹ cả con.
Đậu Đậu nhà tôi chào đời 3.3kg, là một tiểu công chúa. Trắng hồng, đầu tròn xoe, tóc đen, tốt, mí mắt dài. Miệng nhỏ xinh, và đặc biệt là giống bố hết mà chẳng giống mẹ gì cả. Tận khi y tá bế con áp lên má mẹ, tôi chỉ có thể cười mà gọi “con ơi”, cảm xúc chưa bao giờ tuyệt vời đến thế. Nhớ lại chặng đường đã trải qua, sự vất vả, lo lắng của bản thân, sự giúp đỡ động viên của đội ngũ bác sĩ của bệnh viện Việt Bỉ. Từ những chiếc bánh bông lan ăn lót dạ khi chuyển phôi xong của các cô điều dưỡng, đến cả sự đồng cảm, thương và cất ná hoàn cảnh của vợ chồng tôi mà vợ chồng bác sĩ Luyện Thị Ngọc Dung đã hỗ trợ vợ chồng tôi hết mức khi bác sĩ đề nghị tôi ở lại nhà bác sĩ một phần cho đỡ chi phí sinh hoạt, một phần để tiện theo dõi và can thiệp sớm nhất khi cần thiết. Đến giờ thì vào viện tiêm kích trứng, hơn nửa tháng trời tới tận khi tôi chuyển phôi xong. Sự ân cần chăm sóc, theo dõi ở viện cũng như ở nhà, chưa bao giờ tôi cảm nhận tình người ấm áp đến thế. Ngày tôi siêu âm có tim thai, tôi nhắn tin báo bác sĩ. Ngoài việc báo lại kết quả với bác, tôi đã nói lời cảm ơn mà không biết chọn từ ngữ nào để nói hết được sự biết ơn trong lòng mình. Ước gì lúc đó có thể đứng trước mặt bác sĩ để bác có thể nhìn thẳng vào mắt tôi, cảm nhận hết được niềm vui và sự chân thành trong từng lời nói.
Đậu Đậu của chúng tôi đã đến với bố mẹ như thế đấy. Một chặng đường dài đầy chông gai, bên cạnh là sự ủng hộ của người thân, sự giúp đỡ từ chuyên môn kỹ thuật tới sự nhiệt tình, chăm sóc của đội ngũ y bác sĩ và điều dưỡng của bệnh viện. Tôi biết mỗi cặp vợ chồng tới với Việt Bỉ sẽ có những câu chuyện riêng của mình. Có thể sẽ có những cặp điều trị đơn giản hơn, cũng có thể có những ca phức tạp hơn chúng tôi nhiều, nhưng tôi muốn chia sẻ câu chuyện của mình tới mọi người, nhất là với những cặp vợ chồng làm hiếm muộn nhưng chưa thành công hay những cặp vợ chồng đang chuẩn bị bước vào con đường tìm kiếm đứa con yêu của mình để tiếp sức, tiếp thêm hy vọng và động lực để con đường mọi người đi đỡ mệt mỏi, căng thẳng nhất có thể. Chúc tất cả các bố mẹ nhanh nhất có thể sẽ được chào đón con yêu của mình – những thiên thần nhỏ.
Gia đình anh Đỗ Văn Hóa chị Nguyễn Thị Tuyết (Thanh Hóa)