KĨ THUẬT HỖ TRỢ HOẠT HÓA NOÃN

Trang chủ Tin tức KĨ THUẬT HỖ TRỢ HOẠT HÓA NOÃN

Vô sinh hiếm muộn dần trở thành bệnh lý phổ biến trong cuộc sống hiện đại. Tại Việt Nam, theo nghiên cứu vào năm 2011, tỷ lệ vô sinh của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản là 7,7%, đáng báo động có khoảng 50% cặp vợ chồng vô sinh có độ tuổi dưới 30.

Trong những năm gần đây, công nghệ hỗ trợ sinh sản (ART) đã cải thiện đáng kể kết quả mang thai, mang lại hạnh phúc cho các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn. Trên toàn thế giới, hơn 1,8 triệu chu kỳ điều trị ART được thực hiện mỗi năm và hơn 8 triệu trẻ sơ sinh nhờ công nghệ hỗ trợ sinh sản được sinh ra, và con số này tăng lên theo từng năm. Một trong những phương pháp hiệu quả trong điều trị vô sinh hiếm muộn là thụ tinh trong ống nghiệm cổ điển (conventional IVF), kĩ thuật này phát huy hiệu quả trong các trường hợp vô sinh nữ. Bên cạnh đó, tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI) đặc biệt giải quyết yếu tố vô sinh liên quan đến nam giới, những trường hợp vô sinh do tinh trùng ít, yếu nặng. Với kĩ thuật ICSI, tinh trùng được chọn lọc và tiêm trực tiếp vào tế bào chất của noãn, nhưng thất bại thụ tinh hoàn toàn (TFF), trong đó tất cả các noãn trưởng thành không thụ tinh, vẫn là một vấn đề xảy ra trong 1% – 3% chu kỳ ICSI. Ngoài ra, khả năng thất bại thụ tinh tái phát có thể lên tới 30%. Sự thiếu hụt quá trình hoạt hóa noãn (occyte activation deficiency – OAD) được cho là yếu tố chính dẫn đến tỉ lệ thụ tinh kém hoặc thất bại thụ tinh hoàn toàn trong các chu kỳ điều trị hỗ trợ sinh sản. Các nguyên nhân ít phổ biến hơn bao gồm DNA tinh trùng không thể giải nén hoặc giải nén không hoàn toàn, noãn tổn thương thoi vô sắc, tinh trùng tổn thương thể sao.

Hoạt hoá noãn là một quá trình bao gồm một loạt các sự kiện cơ bản như tái khởi động giảm phân II, tống xuất thể cực thứ hai, hình thành tiền nhân cái, tổng hợp protein, sắp xếp lại bộ khung tế bào, chuẩn bị cho sự hình thành phôi sau này. Quá trình này được kích hoạt thông qua các yếu tố từ tinh trùng và chủ yếu phụ thuộc vào sự gia tăng nồng độ ion canxi nội bào lặp đi lặp lại trong một khoảng thời gian, gọi là sự dao động nồng độ ion canxi nội bào.

Kĩ thuật hỗ trợ hoạt hóa noãn

Kỹ thuật hỗ trợ hoạt hóa noãn (Assisted Oocyte Activation – AOA) ra đời nhằm mở ra hướng điều trị mới cho những trường hợp bệnh nhân có chu kỳ trước thất bại thụ tinh hoàn toàn hoặc thụ tinh kém sau ICSI. AOA là một kỹ thuật phù hợp có thể áp dụng để điều trị cho những cặp vợ chồng có tỷ lệ thụ tinh thấp dưới 30% sau ICSI thông thường. Ngoài ra, AOA không chỉ được đề xuất là có hiệu quả trong các trường hợp giảm khả năng thụ tinh liên quan đến tinh trùng, mà còn trong một số trường hợp liên quan đến bào tương noãn khiến noãn thiếu hụt quá trình hoạt hoá noãn. Hiện nay, nhiều phương pháp hoạt hóa noãn nhân tạo khác nhau được sử dụng như hoạt hóa bằng dòng điện, vật lý hay hóa học. Trong đó, phương pháp phổ biến nhất là hoạt hóa noãn sử dụng chất hóa học, bao gồm calcium ionophores, như ionomycin và calcimycin (A23197), hoặc protein tổng hợp như 6-dimethylaminopurine (6-DMAP). Trong phương pháp này, noãn được tiếp xúc với các chất hóa học nhằm gia tăng nồng độ Ca2+ nội bào.

Đối tượng áp dụng và hiệu quả của kĩ thuật hỗ trợ hoạt hóa noãn

Kĩ thuật hoạt hóa noãn được nghiên cứu là có hiệu quả điều trị trên nhiều đối tượng bệnh nhân: nhóm bệnh nhân có tiền sử thất bại thụ tinh hoàn toàn, tỷ lệ thụ tinh kém; nhóm bệnh nhân vô sinh nam nghiêm trọng và trên đối tượng bệnh nhân có hợp tử ngưng phát triển ở giai đoạn 2 tiền nhân, hợp tử không có khả năng phát triển đến giai đoạn phân cắt. Năm 2012, Ebner và cộng sự tiến hành nghiên cứu đánh giá hiệu quả hoạt hoá noãn bằng calcium inophore với tỉ lệ có thai, tỉ lệ trẻ sinh sống trên đối tượng bệnh nhân vô sinh nam nghiêm trọng. Đây là một nghiên cứu đa trung tâm với 29 bệnh nhân azooospermic (vô tinh, không tìm thấy tinh trùng trong mẫu) và 37 bệnh nhân cryptozoospemic (thiểu tinh). Kết quả cho thấy tỉ lệ thụ tinh ở nhóm ICSI-AOA bằng A23187 cao hơn so với nhóm ICSI không AOA và sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (azoospermia 64,4% và cryptozoospermia 48,4% so với 34,7%, p<0,001). Kết quả lâm sàng 32 trẻ sinh sống trên 73 ca chuyển phôi. Hiện nay, tại Lab IVF Việt-Bỉ, kĩ thuật hỗ trợ hoạt hóa noãn bằng phương pháp hóa học cũng đang được áp dụng, đem lại hiệu quả điều trị tích cực trên nhóm bệnh nhân có tiền sử thất bại thụ tinh, tỉ lệ thụ tinh kém (< 30%) và vô sinh nam nghiêm trọng.

Tính an toàn của kĩ thuật hoạt hóa noãn

Hoạt hoá noãn là quá trình cơ bản, thiết yếu, đóng vai trò quan trọng, quyết định sự thành công của quá trình thụ tinh, đồng thời cũng ảnh hưởng đến quá trình hình thành phôi sớm. Do đó, cần thận trọng khi đề xuất bất cứ thay đổi hoặc sai lệch trong quá trình này có thể ảnh hưởng sâu sắc đến quá trình phát triển của phôi, đặc biệt là khi thực hiện các kĩ thuật hỗ trợ sinh sản có thể gây xâm lấn đến quá trình hoạt hoá noãn. Các nghiên cứu gần đây cho thấy kết quả chu sinh, sức khỏe thể trạng và tâm lý của trẻ ra đời bằng phương pháp ICSI kết hợp AOA không có sự khác biệt đáng kể so với nhóm ICSI thông thường.

Bài viết được tư vấn bởi Thạc sĩ Lê Thùy Linh – Phòng Lab,

Bệnh viện CK Nam học và Hiếm muộn Việt – Bỉ.

Tài liệu tham khảo:

1. Nasr-Esfahani, M. H., Deemeh, M. R., & Tavalaee, M. (2010). Artificial oocyte activation and intracytoplasmic sperm injection. Fertility and Sterility, 94(2), 520–526.

2. Bonte, D., Ferrer-Buitrago, M., Dhaenens, L., Popovic, M., Thys, V., De Croo, I., De Gheselle, S., Steyaert, N., Boel, A., Vanden Meerschaut, F., De Sutter, P., & Heindryckx, B. (2019). Assisted oocyte activation significantly increases fertilization and pregnancy outcome in patients with low and total failed fertilization after intracytoplasmic sperm injection: a 17-year retrospective study. Fertility and Sterility, 112(2), 266–274.

3. Miller, N., Biron-Shental, T., Sukenik-Halevy, R., Klement, A. H., Sharony, R., & Berkovitz, A. (2016). Oocyte activation by calcium ionophore and congenital birth defects: a retrospective cohort study. Fertility and Sterility, 106(3), 590-596.e2.

4. Ebner, T., Köster, M., Shebl, O., Moser, M., Van Der Ven, H., Tews, G., & Montag, M. (2012). Application of a ready-to-use calcium ionophore increases rates of fertilization and pregnancy in severe male factor infertility. Fertility and Sterility, 98(6), 1432–1437.

BỆNH VIỆN CK NAM HỌC & HIẾM MUỘN VIỆT – BỈ

Điện thoại: 0935.938.268 – 0932.131.393

Trợ lý – TS.BS Lê Vương Văn Vệ: 0903.251.961

Địa chỉ: 23 Nguyễn Văn Trỗi – Q.Thanh Xuân – TP.HN (Ngay 356A đường Giải Phóng rẽ vào).

Chia sẻ bài viết
  •  
  •  
  •  
  •  
  •