LẦN ĐẦU LÀM BỐ CỦA CHÀNG TRAI CHUYỂN GIỚI

Trang chủ Thư viện LẦN ĐẦU LÀM BỐ CỦA CHÀNG TRAI CHUYỂN GIỚI

Đến năm 30 tuổi, Hoàng Thị Linh chưa bao giờ tin có ngày mình được làm chồng, làm cha nhưng giờ anh đã toại nguyện cả hai điều ấy.

Từ khi còn bé, Hoàng Thị Linh, 32 tuổi, quê Kim Thành, Hải Dương đã biết bên trong tâm hồn mình là nam. Từ khi vào đại học, Linh cắt tóc ngắn, mặc đồ nam, sống như một chàng trai.

Ngày 30/8/2018, Hoàng Thị Linh giấu gia đình bay qua Thái Lan phẫu thuật chuyển giới. Hành trình của cậu thêm gian nan khi quen và yêu cô gái Nguyễn Thị Lưu, quê Bắc Giang. Mối tình không bình thường từng khiến cả hai gặp phải những sự cản trở tưởng như không thể vượt qua nổi và cả những lần sinh tử.

Sau 6 năm, tình yêu của họ đã thay đổi được suy nghĩ hai bên gia đình. Tháng 12/2020, Linh dẫn đầu đoàn nhà trai đi đón dâu. Sau cưới không lâu, chàng trai chuyển giới quyết định bước sang chương hai trên hành trình “bẻ cong cuộc đời”: Sinh con.

“Thật sự lúc kết hôn, tôi cũng không dám mơ có con. Song sau khi chứng kiến một người bạn thụ tinh ống nghiệm thành công, có con sinh đôi, tôi có thêm can đảm biến ước mơ làm bố thành sự thật”, Linh nói.

Linh và Lưu chụp ảnh cưới tại Hà Giang, tháng 12/2020.

Năm 2021, nhân thời điểm công việc của Linh bị đình trệ vì dịch Covid-19 mạnh, cặp đôi dành hoàn toàn thời gian cho hành trình kiếm con. “Khi chắc chắn có thai, chúng mình báo cho gia đình. Cả họ vỡ oà chúc phúc”, Linh kể.

Những người làm thụ tinh ống nghiệm (IVF) thường truyền tai nhau lời cảnh báo “có khó một, giữ khó một nghìn”. Vợ chồng Linh cũng trải qua những lần dọa sảy thót tim. Khi Lưu bầu được khoảng tám tuần thì phát hiện “bong rau 30%”. Rất nhiều trường hợp không được can thiệp kịp thời dẫn đến thai chết lưu.

Trong đời Hoàng Linh đã có hai lần “đếm từng phút”. Lần đầu là lúc anh bị tai nạn ôtô ở đèo Pha Đin (ranh giới tỉnh Sơn La và Điện Biên) trong chuyến thiện nguyện đầu năm 2017. Lần thứ hai là bị nhiễm trùng sau ca phẫu thuật chuyển giới ở Thái Lan. Một mình nơi đất khách, Linh hoảng loạn nghĩ: “Nếu tình huống xấu nhất xảy ra, làm sao trở về đất mẹ?”.

“Tôi những tưởng đã quen với những biến cố nghẹt thở vậy mà vì con, lại một lần nữa tôi đếm thời gian trôi”, Linh chia sẻ.

Anh quay cuồng tìm mọi lý do giải thích cho hiện tượng của vợ, chăm chút cho cô tận giường, rồi lại đếm từng ngày cho đủ một tuần để đi khám lại. Cặp vợ chồng thở phào, cảm tạ đất trời và cả bé con vì vẫn ở bên.

Nhưng chỉ hai tuần sau, vợ Linh lại bị ra máu. Trên quãng đường 20 km đến viện, Linh cầu mong ông trời cho một chút may mắn để vợ không phải chịu bất kỳ mũi gây mê, gây tê nào nữa. Phía sau, hai tay Lưu đan vào nhau, bật khóc thành tiếng. Đến viện, một nữ y tá tiếp nhận rồi trấn an: “Không nguy hiểm đâu”. Linh vẫn không dám tin cho đến khi vợ ra khỏi phòng siêu âm và giơ tay ra dấu “OK”.

Vợ chồng Linh tại bệnh viện trong ngày chuyển phôi. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Từ tuần 12 trở đi, cô vợ bắt đầu nghén. Mỗi lần nhớ lại giai đoạn đó, anh chồng bỗng cảm thấy rùng mình. Mang thai làm Lưu từ một cô gái kiên cường chống lại cả gia đình suốt 6 năm để được cưới người mình yêu, bỗng trở nên yếu đuối. Bất kể một việc gì dù nhỏ cô cũng khóc. Đêm không ngủ được là ngồi khóc, ngày không ngủ bù được lại khóc, chồng chưa mua được đồ ăn kịp cơn nghén cũng khóc. Có những ngày cô khóc năm bảy bận khiến anh chồng chỉ chăm chăm tìm cách dỗ.

Cô cũng nghén đến độ ăn bữa chính, bữa phụ đều nôn. Lo cho vợ, Linh gợi ý đủ loại món. Song nhiều lúc ba chân bốn cẳng phóng đi mua mang về cô lại không ăn nữa. Cũng may đến khoảng 16 tuần, Lưu giảm nghén, ít khóc hơn, từ sau đó thai kỳ ổn định. Người vợ kể, chồng cơm bưng nước rót cho cô trong suốt 5 tháng đầu, đưa cô đi 25/26 lần khám thai. Cuối tuần nào cũng cho cô đi chơi để tâm trạng vui vẻ.

Những tháng cuối thai kỳ, anh tự tay đi mua đồ cho con, giặt đồ, phơi đồ trước cửa phòng, thi thoảng lại ngó ra tấm tắc khen đồ mình mua đáng yêu. Nhưng do lần đầu được làm bố, anh mua những chiếc áo quần đến 3 tuổi mặc mới vừa. “Hài nhất là lần đi siêu âm bác sĩ khen con ‘chân dài, xinh gái’. Lúc về dừng đèn đỏ có 30 giây, anh ấy bảo tôi xuống xe để mở cốp lấy ảnh siêu âm của con ra xem, rồi hôn lên tấm ảnh giữa ngã tư bao người qua lại”, Lưu kể.

Linh đọc sách cho con nghe, tại quê nhà ở Hải Dương tháng 4/2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ngày 5/4, em bé của họ chào đời.

Vài ngày đầu vợ chưa có sữa nên phải cho bé ăn sữa công thức. Ông bố trẻ liên tục bị bác sĩ mắng vì không cho con ti bình mà lấy thìa đút hoặc pha sữa sai tỷ lệ. Đến giờ, anh vẫn vụng như trước, thế nhưng bé con quấn hơi bố hơn cả mẹ.

Nửa tháng sau khi con chào đời, Linh buộc phải tạm biệt hai vợ con trở lại công việc dẫn tour du lịch. Đêm đầu tiên xa vòng tay bố, cô bé Hà Giang cứ tròn xoe đôi mắt, dỗ sao cũng không ngủ. Linh nhắn vợ: “Em thử lấy chiếc áo của anh làm gối cho con”. Chẳng ngờ từ khi nằm lên áo bố, cô bé ngủ miết.

Từ mảnh đất địa đầu tổ quốc, người cha chuyển giới hình dung ra một ngày đèo công chúa nhỏ rong ruổi khắp mọi nơi và nhìn con lớn lên sau mỗi chuyến đi. Anh tự hứa chỉ quyết định ngày tạo ra con và ngày đưa con chào đời. Còn lại sẽ chia sẻ với con như một người bạn, chở che con như một người anh và tất nhiên vẫn bao dung và hy sinh cho con như một người cha.

“Giả dụ con có sinh ra số phận như cha nó, tôi cũng sẽ không để con đơn độc trên hành trình ấy”, ông bố nói.

Theo Vnexpress.

Chia sẻ bài viết
  •  
  •  
  •  
  •  
  •