TS.BS Lê Vương Văn Vệ: Phía sau kỷ lục giúp sinh nở từ tinh trùng của tử thi

Nguồn: Báo Lao động

Còn nhớ, chợt một hôm ông Lê Vương Văn Vệ (hiện là Giám đốc Bệnh Viện Nam học Hiếm muộn Việt Bỉ, 23 Nguyễn Văn Trỗi, Hà Nội) gọi cho người thực hiện bài này: “Tôi có vụ này, độc đáo và nhân văn vô cùng. Ông về Hà Nội đến gặp tôi ngay. Tôi đã lấy tinh trùng từ một tử thi thiệt mạng sau tai nạn tàu hỏa ở Hà Nội, trữ đông 3 năm, rồi cấy vào cơ thể vợ của anh ta. Bây giờ hai đứa trẻ đã ra đời”.

Khi thông tin đầu tiên được tung ra, chưa bao giờ BV của ông Giám đốc Vệ lại đông giới báo chí và truyền hình đến thế. Có được thành công đó, ông Vệ và cộng sự phải mày mò tâm huyết đến 20 năm ròng. Một đời đi theo con đường “độc đạo” với các câu chuyện mà chúng tôi vẫn hay đùa là “nằm ở vùng dưới rốn” (nghiên cứu về sức khỏe tình dục, vấn đề nam học và nghìn lẻ một vấn đề hiếm muộn cùng bệnh lý khác) của TS. Vệ thấm đẫm các giá trị nhân văn vì cộng đồng.

t3-1_opt_ehbq

Bế các cháu ra, tôi như “anh nông dân vừa cày xong thửa ruộng!”

Lý do tại sao ông lại nghĩ ra việc lấy tinh trùng của người đã chết để trữ đông ở âm (-) 196 độ rồi vài năm sau đem cấy vào cơ thể vợ anh ta để… hai đứa trẻ cùng lúc ra đời. Được biết, đây là “sự kiện” lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam, cũng còn hiếm trên thế giới?

– Để làm được việc đó, tôi đã ấp ủ nghiên cứu cách đây lâu lắm rồi. Khi đã hòm hòm tư liệu, thì 20 năm trước, khi còn ngồi một mình ở trong phòng giao ban của Khoa Tiết niệu Bệnh viện Việt Đức, tôi trầm ngâm suy nghĩ: Không biết là, người chết rồi thì tinh trùng của họ còn sống hay không? Và sau đó, khoảng 10 năm trước, tôi trả đã lời được: Tinh trùng người chết ở ngoài môi trường bình thường vẫn sống, nhưng ở người chết khi bị tai nạn tàu hỏa như chúng tôi vừa làm, thì đầy thách thức. Tôi đã vào cuộc nghiên cứu, để cắt lấy tinh hoàn của tử thi ra, lấy tinh trùng đem lưu trữ. 3 năm sau, vừa đoạn tang chồng, chúng tôi đã cấy tinh trùng vào cơ thể người vợ góa ấy.

Có yếu tố may mắn trong khoa học ở đây không, thưa ông?

– Thực ra làm xong vấn đề này chúng tôi thấy mình vừa giải quyết xong một món nợ khoa học. Sau khi làm xong quy trình đó thì xét nghiệm AND để chứng minh các cháu được sinh ra từ đúng ông bố đã khuất kia ra làm sao. Chúng tôi có ý tưởng là sau này nhận làm cha đỡ đầu góp phần nuôi dưỡng các cháu. Đôi lúc ngồi ngẫm nghĩ lại, tôi cũng không biết tại sao mình lại làm được một việc như thế. Chắc là có cả yếu tố giống như là số phận, là duyên trời nữa.

Trường hợp này rất đặc biệt ở chỗ, tinh trùng đã lấy, đã đông lạnh rồi, 3 năm sau chuẩn bị cấy vào cơ thể mẹ cháu thì chúng tôi đưa ra kiểm tra thấy tinh trùng vẫn sống bình thường. Tuy nhiên, khi làm xong thì cô ấy lại bị quá kích buồng trứng, bụng to lên, nhiều dịch trong bụng và chúng tôi phải đông phôi lại. Tức là “hai đứa bé” này được đông phôi lại một lần sau thời gian 3 năm tinh trùng đông lạnh ở nhiệt độ -196. Như vậy có thể nói, chúng tôi rất may mắn ở chỗ là làm một lần thôi mà “thí nghiệm” thành công được ngay cả đông tinh trùng rồi đông phôi. Bởi khi đó, đông tinh trùng, đông phôi cũng chưa được phổ biến như bây giờ.

Nhưng dẫu thế nào thì hai bên cũng cần cảm ơn Trời Đất, có một cái duyên gặp gỡ mang tính khoa học giữa ông và gia đình ấy?

– Câu chuyện rất ly kỳ. Ban đầu tôi nghĩ cô ấy cũng là bệnh nhân bình thường, tôi chưa bao giờ nói nói chuyện gì ngoài một hai câu về công việc cụ thể nào đó. Sau này cô ấy sinh em bé rồi, bạn đem chuyện đó đăng báo thì tôi mới biết là cô ấy là một tiến sĩ được đào tạo ở Pháp về và mới chỉ 27 tuổi. Cô đang là giảng viên ĐH Bách khoa, HN. Sau này cô còn kể, cô đã đọc những những tiểu thuyết viễn tưởng và đã gọi ra nước ngoài, nhờ bạn bè đi tìm nhiều nơi xem có nơi nào để trữ tinh trùng không. Nhưng có điều kỳ lạ, không biết thế nào, khi tìm không được, cô ta mới đi cái xe máy cùng với một người bạn, húc vào một đống đất, cái xe đổ ra, cô ta mới ngước lên nhìn thấy cái biển Bệnh viện chuyên khoa Nam học do tôi làm Giám đốc. Thế là họ điện cho 1080 và họ cho số của tôi. Lúc đó tôi đang đi lững thững dọc sông Kim Ngưu, cú điện họ gọi cho tôi rất dồn dập các thắc mắc: “Chồng cháu chết rồi sau có giữ tinh trùng để đẻ được không”, tôi trả lời ngay, “điều đó có thể”. Rất may mắn chúng tôi xuống và lấy được tinh hoàn thì người ấy đã chết trước đó độ 5 tiếng rồi, về làm các thủ tục lưu trữ nữa là mất độ 6 tiếng. Thế mà vẫn tốt. Khi cháu bé ra đời, đẻ ở BV Phụ sản Trung ương, tôi mới điện cho Giáo sư Quyết, bấy giờ là Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương là muốn anh ấy mổ lấy hai cháu bé ra. Hôm sau tôi đến, anh ấy cũng nói: Đây là một trường hợp hy hữu, ta cứ đem xét nghiệm AND đây để tránh thị phi. Chúng tôi cũng làm AND chuẩn xong một thời gian sau chúng tôi mới công bố. Còn hôm sau, khi bế cháu bé lên tay thì tôi cảm thấy rất nhẹ nhàng, trong người cảm giác giống như một “anh nông dân khi cày xong thửa ruộng” ấy.

Nhờ công an đi tìm bệnh nhân về để tiếp tục chữa trị!

Nghe nói, ngoài công trình này, hơn 20 năm qua ông còn có công trình rất “thú vị” khác?

– Có một trường hợp xuất tinh ngược hoàn toàn, anh bộ đội này không muốn lấy vợ vì biết mình không thể xuất tinh. Chúng tôi lấy tinh trùng của anh ta và bơm một lần duy nhất vào cơ thể vợ anh ta, thành công luôn. Hiện nay tôi còn giữ tập bệnh án ấy. Cô vợ tốt nghiệp Học viện Báo chí. Chúng tôi thậm chí lấy tinh trùng từ nước tiểu, lọc rồi bơm cho cô vợ một lần đẻ được con trai, thì lúc đó hào hứng lắm, hăng hái, thích thú lắm, đang còn trẻ mà. Ví dụ khác, trường hợp của cậu vận động viên bị liệt hai hai chi dưới, có rất nhiều thành tích đang thi đấu ở trong nước và quốc tế. Lúc chúng tôi chưa nghiên cứu thành công, khoa học chưa cho phép làm để giúp anh ta có con, anh ta buồn lắm. Lần nào cũng thất bại. Mỗi lần đi thi đấu về, anh ta đều khoe huy chương và tặng tôi những chai rượu nhỏ làm kỷ niệm. Anh ta kỳ vọng ở tôi lắm. Bởi anh ta khát khao có con.

Dù thất bại nhiều, song, sau khi khám xét nghiệm lâm sàng về nội tiết tố sinh dục, thì tôi nghĩ là kiểu gì mình cũng làm được cái vụ khó của anh này. Vì tôi nghĩ, dù thế nào thì tinh hoàn của anh vẫn sản xuất tinh trùng, trong khi anh ta bị liệt hoàn toàn cả chi và bộ phận sinh dục, không thể “quan hệ”. Mãi sau này, sau khi thành lập bệnh viện tư nhân xong, tôi đã cho nhân viên đi tìm anh ta, mời anh ta đến tận nơi để làm. Nhưng nhân viên đi tìm không được. Tôi bảo tìm những người thế này, tôi bảo qua chỗ ủy ban, chỗ công an tìm, người ta sẽ giúp mình. Thế là tìm được. Sau đó mời anh ta đến và chúng tôi đã làm thành công.

Ông là người rất rất sớm đưa ra mô hình điều trị nam học và hiếm muộn ở Việt Nam, lúc đầu nhiều người ngạc nhiên và phản đối kịch liệt, bây giờ mô hình đó thành công và được nhân rộng rồi, ông nghĩ gì?

– Vào những thời điểm có tính quyết định trong nghiên cứu khoa học, tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Mọi thứ nó cũng vô cùng tận lắm, đi một cái mới, trong khoa học thì có thể phát triển theo hai hướng: đi theo phương pháp cũ thì bao giờ cũng nhanh đến. Còn đi theo cái mới thì có thể thất bại mà thất bại thì nhiều hơn thành công. Đã thành công thì mở ra một bước ngoặt, một trang mới đẹp hơn. Tôi đi làm ngành này, sau này tôi đưa ra một mô hình nam học hiếm muộn và lúc ấy các cụm từ nghe còn hơi lắm. Sau này đến năm 2015 thì Chính phủ, Bộ Y tế công nhận mô hình đó. Hiện nay mô hình bệnh viện nam học hiếm muộn có thể làm được ở Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ…, khiến tôi rất mừng.

Ông có biết tại sao số người hiếm muộn ở Việt Nam lại tăng liên tục và ngày càng dính nhiều “ca” khó chữa như vậy không?

– Lượng bệnh nhân tăng lên nó có vài lý do: Sự hiểu biết của con người, người ta biết rằng, hiếm muộn cần điều trị ở đâu thì người ta đến. Theo một nghiên cứu một đề tài nhà nước của Bệnh viện Phụ sản Trung ương mà một Thứ trưởng Bộ Y tế chủ nhiệm đề tài, đã công bố: Ở Việt Nam, khoảng độ 7 – 10% số người trong độ tuổi sinh nở là vô sinh. Bệnh viện Từ Dũ trước đây cũng công bố một đề tài như thế. Hơn 90 triệu dân Việt Nam, có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng hiếm muộn. Chỉ cần 1/10 số người đi khám thôi là chúng ta đã có khoảng 10 vạn cặp hiếm muộn đi khám, tức là chia cho 10 tháng, mỗi tháng có 1 vạn cặp, chia ra cảm giác rất nhiều. Lý do nữa là dân số tăng lên, vấn đề tài chính cho phép, nhiều cặp vợ chồng đã có điều kiện để đi khám. Hoặc là mai kia nhà nước tài trợ bảo hiểm y tế về vấn đề vô sinh, cũng như ung thư chẳng hạn, suy thận chẳng hạn thì số người đi khám chữa còn nhiều hơn. Tôi mong rằng, bảo hiểm y tế cũng phải nghiên cứu vấn đề này để giảm gánh nặng cho các cặp vợ chồng hiếm muộn.

Điều gì ông tâm đắc nhất trong công việc này?

– Sinh ra mỗi người mỗi nghề. Tôi là bác sĩ chuyên ngành nam học hiếm muộn, mọi thứ rất giản dị. Hồi trẻ mà làm được một việc nào đó thì thấy thích lắm, sung sướng lắm, hạnh phúc nữa, bây giờ có lẽ đầu óc nó trơ già rồi, không cảm giác gì nhiều nữa. Nhưng, lắm lúc, tôi cứ ngồi ngẫm nghĩ lại, không biết tại sao mình làm được những việc được đánh giá cao đó. Chúng tôi mang đến hạnh phúc cho các gia đình hiếm muộn ngỡ như không thể có con. Chúng ta cứ tưởng tượng rằng, một xã hội không sinh sản thì sẽ như thế nào. Nhưng khi đã có con rồi, đầy đủ ước mơ, còn chưa có con thì có mỗi ước mơ là có con thôi. Tôi nghĩ hạnh phúc của người bệnh là hạnh phúc của mình. Bệnh nhân mừng một thì chúng tôi mừng mười. Mừng vì thành công của họ mà chúng tôi cũng mừng vì mình đã đưa lại được hạnh phúc cho người khác.

Cảm ơn cuộc trò chuyện của tiến sĩ!

Hỏi Đáp:

RỐI LOẠN KHOÁI CẢM Ở PHỤ NỮ PHẢI LÀM SA0?

Cảm xúc trong tình yêu và sau khi yêu là những trải nghiệm tuyệt vời. Tuy nhiên, không ít phụ nữ lại e sợ khi được người bạn đời “yêu thương” hay “động chạm”. Điều này ảnh hưởng sâu sắc đến hạnh phúc cá nhân và đời sống vợ chồng. Nguyên nhân gây rối loạn khoái cảm ở...

Đọc thêm

SAU BƠM IUI BAO LÂU TINH TRÙNG GẶP TRỨNG?

Thụ tinh nhân tạo bằng phương pháp IUI (bơm tinh trùng vào buồng tử cung) đã trở thành giải pháp phổ biến giúp các cặp đôi hiếm muộn có cơ hội đón nhận niềm vui làm cha mẹ. Tuy nhiên, một câu hỏi thường gặp là sau khi bơm IUI, tinh trùng sẽ gặp trứng trong bao lâu?...

Đọc thêm

TINH TRÙNG LÀ GÌ? TẤT TẦN TẬT NHỮNG GÌ BẠN CẦN BIẾT

Nam giới khỏe mạnh có thể sản xuất khoảng 50-100 triệu tinh trùng mỗi ngày. Vậy tinh trùng là gì? Cấu tạo, vai trò, quá trình hình thành ra sao? Bệnh viện Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Việt - Bỉ sẽ cùng bạn giải đáp thắc về tinh trùng của nam giới qua bài viết sau....

Đọc thêm

KỸ THUẬT HOẠT HÓA NOÃN (AOA) TRONG IVF LÀ GÌ?

Trong quá trình thụ tinh ống nghiệm (IVF), trứng và tinh trùng sau khi thụ tinh sẽ phát triển thành phôi thai. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, phôi không thể hình thành hoặc không đạt chất lượng khiến cả chu kỳ IVF thất bại. Vì vậy, Hoạt Hóa Noãn (AOA) ra đời đã mở...

Đọc thêm