Thụ tinh trong ống nghiệm là phương pháp mà quá trình thụ tinh được tiến hành trong điều kiện phòng thí nghiệm. Đây là phương pháp thụ tinh nhân tạo mà đối tượng tham gia là các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn mong muốn có con mà vẫn không thể có con bằng cách tự nhiên. Thụ tinh trong ống nghiệm là phương pháp kỹ thuật cao. Công nghệ y học đã được cải thiện đáng kể qua các năm gần đây. Trên thế giới, tỷ lệ thụ tinh ống nghiệm thành công là khoảng 40-45%. Tỷ lệ thành công này sẽ giảm từ 2-10% đối với phụ nữ lớn tuổi (sau 40 tuổi) và còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau.
1. Tuổi tác
Tuổi tác là một yếu tố quan trọng đối với sự thành công của thụ tinh trong ống nghiệm. Bố mẹ tuổi càng trẻ thì khả năng thành công của IVF càng cao. Bởi số lượng và chất lượng trứng đạt tiêu chuẩn để có thể cùng với tinh trùng tạo thành phôi tốt theo sinh lý phụ nữ sẽ giảm theo thời gian, đặc biệt khi phụ nữ bước qua độ tuổi 35. Chất lượng trứng càng tốt, số phôi tạo thành càng nhiều, dẫn đến cơ hội chuyển phôi của người mẹ được nhiều lần hơn trong một chu kỳ kích thích trứng. Tương tự như vậy, chất lượng tinh trùng càng tốt thì số phôi tạo thành càng đạt chất lượng tốt.
Theo dữ liệu của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), ở phụ nữ tuổi 35, cứ sau 2 năm tỷ lệ thành công trung bình của các chu kỳ IVF giảm gần 10%. Cụ thể, tỷ lệ thành công là 40% đối với phụ nữ dưới 35 tuổi, chỉ còn 32% đối với phụ nữ từ 35 – 37 tuổi và giảm xuống chỉ còn 22% đối với phụ nữ từ 38 – 40 tuổi,… Mặc dù tỷ lệ thành công giảm theo tuổi tác, nhưng dù ngoài 35 tuổi thì IVF cũng cần được cân nhắc lựa chọn cẩn trọng.
2. Tình trạng sức khỏe sinh sản của vợ và chồng
Trước khi tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm, cả vợ và chồng đều được kiểm tra tình trạng vô sinh hiếm muộn. Với những cặp vợ chồng khỏe mạnh, tinh trùng và trứng chất lượng tốt thì tỷ lệ thành công là rất cao.
Nhưng thường các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộm thường là biến chứng của các nguyên nhân vô sinh phức tạp trước đó như tinh trùng loãng, tinh trùng yếu hay người vợ có tiền sử bị kích thích buồng trứng quá mức, lạc nội mạc tử cung,… Theo báo cáo cho thấy, nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì chức năng sinh sản sẽ càng ít bị ảnh hưởng và tỷ lệ thụ tinh nhân tạo càng cao. Vì vậy theo khuyến cáo, nếu không dùng các biện pháp tránh thai mà sau một năm vẫn chưa có con thì các cặp vợ chồng cần đi khám nhằm tìm ra nguyên nhân và điều trị kịp thời.
3. Tình trạng dinh dưỡng bổ sung và sinh hoạt của vợ và chồng
Tình trạng dinh dưỡng, thói quen sinh hoạt cũng như tâm lý của hai vợ chồng đều có thể ảnh hưởng tới khả năng thụ tinh thành công hay không của phương pháp này. Các cặp vợ chồng đều cần phải lưu tâm hơn về sức khỏe và tâm trạng của mình:
– Chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, các thực phẩm giàu chất đạm như thịt gà, thịt bò, thịt heo, hàu, tôm, cua, sữa,… đặc biệt bổ sung thêm nhiều rau xanh, chất xơ và trái cây.
– Hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá,…
– Hạn chế quan hệ tình dục trong thời gian này để tránh kích thích làm tử cung co bóp ảnh hưởng đến phôi thai
– Giữ vệ sinh thân thể sạch sẽ, thoải mái, đặc biệt là vệ sinh sạch sẽ vùng kín tránh để bị nhiễm khuẩn
– Duy trì chế độ tập thể dục thể thao thường xuyên, với phụ nữ nên tập các bộ môn nhẹ nhành như yoga, đi bộ,…
– Giữ tâm trạng thoải mái, tránh căng thẳng, stress,…
Người phụ nữ có tâm trạng tốt, vui vẻ thì tỷ lệ thành công của phương pháp cũng được tăng lên. Ngược lại, nếu người vợ lo lắng, căng thẳng thì tỷ lệ thành công cũng sẽ giảm đi đáng kể. Vì khi người phụ nữ có những bất ổn về mặt tâm lý sẽ dẫn đến tử cung co bóp mạnh, phôi thai khó làm tổ được.
4. Số trứng thu được sau khi kích thích buồng trứng
Trong quá trình thăm khám, tiên lượng ban đầu, người bệnh đã được tiến hành siêu âm để xác định số nang noãn có trong buồng trứng, để tiên lượng khả năng kích trứng. Số lượng trứng kích thích được đối với mỗi người là khác nhau, tùy thuộc lớn vào cơ địa người bệnh và tình trạng bệnh lý của bệnh nhân đó nữa.
Hơn nữa, việc đáp ứng với thuốc kích trứng với từng bệnh nhân là khác nhau. Có trường hợp phải hoãn chu kỳ điều trị do bệnh nhân đáp ứng buồng trứng kém với thuốc. Tỷ lệ này chiếm 10%, nếu phụ nữ càng lớn tuổi thì tỷ lệ này càng cao. Tệ hơn nữa, có những trường hợp bệnh nhân bị quá kích buồng trứng. Tỷ lệ này chiếm khoảng 1%. Sở dĩ bị quá kích là do bệnh nhân đáp ứng với thuốc quá mức, làm tăng mức số nang noãn của buồng trứng, trong trường hợp này, bệnh nhân sẽ phải ngưng điều trị.
Bên cạnh đó, sau khi bị kích thích, thủ thuật chọc hút trứng sẽ được tiến hành. Nguy cơ trong lúc chọc hút trứng cũng có thể ảnh hưởng đến số lượng trứng thu được. Trong quá trình chọc hút cũng có thể xảy ra hiện tượng vỡ trứng hoặc xảy ra tai biến như chảy máu trong. Vì vậy, độ mạnh của lực hút phải được điều chỉnh phù hợp với từng bệnh nhân cụ thể và quy trình kỹ thuật cần được đảm bảo nghiêm ngặt.
Một người sau khi thực hiện chọc hút trứng có thể thu được từ một vài quả trứng đến vài chục quả trứng. Tuy nhiên, trong số này chỉ có một tỷ lệ nhỏ trứng trưởng thành, thụ tinh được và phát triển thành phôi. Sẽ có một lượng lớn trứng non, trứng vỡ, trứng ở các giai đoạn trưởng thành khác nhau và chúng không thể dùng để thụ tinh được.
5. Số phôi và chất lượng phôi được tạo thành sau khi thụ tinh
Trong IVF, chỉ có khoảng 60 – 70% trứng trưởng thành được thụ tinh và tạo thành hợp tử. Khoảng 95% hợp tử đó sẽ phát triển thành phôi ngày 2. Có khoảng 70 – 80% hợp tử phát triển được đến phôi ngày 3, nhưng chỉ còn 50% noãn thụ tinh sẽ phát triển đến phôi ngày 5. Điều đó cho thấy rằng nuôi cấy càng kéo dài thì số phôi còn lại càng thấp.
Ví dụ: Nếu chọc hút được 10 quả trứng trưởng thành thì số phôi trung bình có được khi nuôi cấy đến ngày 2 là 6 phôi, đến ngày 3 thì còn lại 4 – 5 phôi, đến ngày 5 thì chỉ còn lại 2 -3 phôi.
Ngoài ra, phôi cũng được phân loại thành các loại khác nhau. Tùy theo chất lượng mà chia phôi làm 3 loại bao gồm loại 1, loại 2 và loại 3. Tuy nhiên giữa các phân mức cũng không có quá nhiều sự khác biệt. Vậy nên bệnh nhân cũng không cần quá lo lắng nếu chỉ có phôi loại 2, loại 3 mà không có phôi loại 1. Trong những trường hợp cần phải sinh thiết để sàng lọc dị tật hoặc kiểm tra ADN của phôi thai, một số phôi cũng có thể bị ảnh hưởng dẫn đến hỏng phôi trước khi được tiến hành chuyển vào buồng tử cung.
6. Kỹ thuật chuyển phôi
Thụ tinh nhân tạo là kỹ thuật hiện đại gồm nhiều bước phức tạp. Kỹ thuật này đòi hỏi môi trường phòng thí nghiệm cũng như trình độ chuyên môn y bác sĩ phải cao và giàu kinh nghiệm.
Ở giai đoạn phát triển phôi, môi trường được thiết lập sao cho giống hệt với môi trường trong cơ thể người mẹ. Phôi phát triển được cần yêu cầu nghiêm ngặt về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, chất lượng không khí,… và phôi cần được theo dõi sát sao 24/24 ví dụ: Các vi sinh vật như vi trùng hoặc nấm có thể có tác động xấu đến việc phát triển phôi, do đó chất lượng không khí sẽ có nhiều ảnh hưởng đến tỷ lệ thành công khi thụ tinh ống nghiệp. Các thiết bị sưởi, thông gió và điều hòa không khí (HVAC) với thiết kế đặc biệt được trang bị bộ lọc than và bộ lọc không khí hạt hiệu quả cao (HEPA) và đủ áp suất không khí để thay đổi hoàn toàn không khí trong phòng 20 lần mỗi giờ.
Đặc biệt ở giai đoạn chuyển phôi, khi phôi đã phát triển đủ ngày tuổi và cơ thể người mẹ đã chuẩn bị kĩ càng để tiếp nhận phôi. Ở giai đoạn này trang thiết bị máy móc, trình độ bác sĩ tiến hành càng đòi hỏi cao. Đặc biệt với những ca mà nguyên nhân vô sinh hiếm muộn phức tạp, bác sĩ sẽ phải quyết định có cần thực hiện các kỹ thuật liên quan chuyên sâu như tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI), nuôi trứng non rồi cho thụ tinh… hay không. Kỹ thuật được tiến hành chính xác không chỉ quyết định tỷ lệ thành công của ca thụ tinh trong ống nghiệm, giúp giảm chi phí, thời gian tiến hành mà còn giúp tránh được những rủi ro về sức khỏe cho người mẹ.
7. Sự phát triển của thai sau khi chuyển phôi
Khả năng làm tổ của một phôi, nghĩa là khả năng có thai của một phôi khi cấy vào tử cung là khoảng 15-20% với phôi ngày 2; khoảng 20-25% với phôi ngày 3; 30-35% nếu là phôi ngày 5.
Hơn nữa sau khi cơ thể người mẹ tiếp nhận thai nhi, trong quá trình mang thai, thai nhi cần được theo dõi định kỳ và tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng. Vì không phải là phôi thai được thụ tinh theo cách tự nhiên nên rất có thể xảy ra các hiện tượng đào thải từ cơ thể người mẹ, thai nhi phát triển bất thường, phôi phát triển thành đa thai, thai nhi mắc các dị tật bẩm sinh, thai nhi phát triển yếu, không khỏe mạnh,… Tuy nhiên bệnh nhân không cần quá lo lắng vì tất cả điều này đều được các bác sĩ kiểm soát, tiên lượng trong quá trình thai sản.