Tổng quan

Vào năm 1935, Hội chứng buồng trứng đa nang lần đầu tiên được đề cập bởi Stein và Leventhal trên tạp chí Hội sản phụ khoa Hoa Kỳ. Trong đó báo cáo 7 trường hợp bệnh nhân mang các đặc điểm vô kinh, rậm lông, 2 buồng trứng to với nhiều nang nhỏ và vỏ đệm dày. Qua nhiều năm nghiên cứu, ngày nay người ta đã hiểu rõ hơn về hội chứng này.

Hình 1: Phân biệt Hội chứng đa nang

Hội chứng buồng trứng đa nang (Polycystic ovary syndrome: PCOS) là một hội chứng do rối loạn nội tiết hay gặp ở những phụ nữ trong tuổi sinh sản. Bệnh xảy ra ở nữ giới kèm một loạt các hội chứng do có quá nhiều androgen (hormone nam giới) trong cơ thể. Các hội chứng bao gồm: thưa kinh hoặc vô kinh, cường androgen và bất thường ở buồng trứng. Cụ thể, người phụ nữ có thể tích trứng to hơn người bình thường từ 2–8 mm, số lượng trứng nhiều nhưng trứng lại không chín, trong trứng rỗng nên không có khả năng thụ thai, buồng trứng có một lớp vỏ dày khiến cho các nang trứng không thể phát triển nên hàng tháng trứng không phá được lớp vỏ đó, hiện tượng phóng noãn sẽ không xảy ra. Do đó, PCOS ảnh hưởng rất lớn tới khả năng sinh sản của phụ nữ. Ngoài ra, bệnh còn kèm theo một số bất thường liên quan đến nguy cơ tim mạch và đái tháo đường typ 2.

Việc khám và phát hiện hội chứng buồng trứng đa nang là rất cần thiết đối với những bệnh nhân điều trị vô sinh. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, PCOS xảy ra ở khoảng 5-10% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Theo Polson và cộng sự (1986), trong số những phụ nữ khỏe mạnh không bị vô sinh thì tỷ lệ mắc bệnh là 22%. Trong các trường hợp vô sinh do không phóng noãn, nguyên nhân do hội chứng buồng trứng đa nang chiếm tới 75%.

Khi phụ nữ mặc PCOS, lượng hormone sinh dục nam là androgen trong cơ thể quá nhiều, làm ngăn cản sự rụng trứng khiến trứng chứa đầy trong nang trứng nhưng lại không thể chín, thoát ra vỏ và rụng. Nhiều người mắc bệnh này có buồng trứng giãn rộng chứa các cụm nang nhỏ. Nếu nang trứng không phát triển bình thường và việc rụng trứng xảy ra không đúng chu kì thì sẽ dẫn đến sự mất cân bằng hormone nam và nữ trong cơ thể. Đa phần phụ nữ bị buồng trứng đa nang, cơ thể sẽ phản ứng đề kháng với insulin ngăn quá trình chuyển hóa đường. Nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đái tháo đường typ 2 do đó cũng tăng cao.

Nguyên nhân

PCOS do sự kết hợp của các yếu tố di truyền và môi trường. Các yếu tố nguy cơ bao gồm béo phì, không rèn luyện thể chất, và tiền sử gia đình đã từng có người bị bệnh này.

1.Yếu tố di truyền: khả năng bị người bệnh bị mắc buồng trứng đa nang sẽ cao nếu mẹ hoặc chị/ em gái trong gia đình cũng bị mắc bệnh. Hiện vấn đề đột biến gen gây hội chứng buồng trứng đa nang đang được nghiên cứu.

2. Dư thừa insulin: Insulin là một loại hormone được sản xuất trong các tế bào tuyến tụy cho phép sử dụng đường (glucose), cung cấp năng lượng chính của cơ thể. Nếu có đề kháng insulin, khả năng sử dụng insulin một cách hiệu quả bị suy giảm. Cơ thể cần năng lượng tạo feedback ngược khiến tuyến tụy tiết insulin nhiều hơn để chuyển hóa cho các tế bào. Insulin dư thừa được cho là đẩy mạnh sản xuất androgen của buồng trứng. Sự gia tăng sản xuất androgen có thể cản trở sự phát triển của nang trứng, mất cân bằng hormone sinh dục trong cơ thể, làm giảm khả năng rụng trứng của buồng trứng.

3. Chế độ ăn uống: Bữa ăn có quá nhiều tinh bột cũng có thể là nguyên nhân gây ra hội chứng buồng trứng đa nang. Ngoài ra chế độ luyện tập thể dục và lối sống lành mạnh cũng có tác động tới việc tiến triển của bệnh.

Tiêu chuẩn chẩn đoán hội chứng buồng trứng đa nang

Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) là một tập hợp của nhiều triệu chứng kết hợp. Do vậy, không có một tiêu chuẩn đơn lẻ nào có đủ giá trị cho chẩn đoán. Các rối loạn hay bệnh lý khác cũng có thể có các triệu chứng tương tự cần được loại trừ như các loại u chế tiết androgen, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh, hội chứng Cushing,…

Tuy nhiên, Hội chứng buồng trứng đa nang được định hướng khi bệnh nhân có 2 trong 3 tiêu chuẩn sau:

1.Rối loạn phóng noãn hay không phóng noãn.

2. Cường androgen được chẩn đoán bằng các dấu hiệu lân sàng và cận lâm sàng.

3. Xuất hiện hình ảnh buồng trứng đa nang trên siêu âm.

Các đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng

1.Rối loạn phóng noãn/không phóng noãn

Trong hội chứng buồng trứng đa nang, rối loạn kinh nguyệt có biểu hiện là thiểu kinh (chu kì kinh nguyệt >35 ngày hoặc có kinh <8 lần/ năm) hoặc vô kinh (không có kinh >6 tháng). Việc rụng trứng có thể là không thường xuyên hoặc hoàn toàn không xảy ra. Khoảng 90% phụ nữ thiểu kinh có hình ảnh buồng trứng đa nang trên siêu âm.

2. Cường androgen

Rậm lông

Một trong những biểu hiện thường gặp nhất của cường androgen là rậm lông. Thang điểm Ferriman – Gallway cải tiến được sử dụng để đáng giá tình trạng rậm lông của người bệnh. Có khoảng 92% phụ nữ rậm long có hình ảnh buồng trứng đa nang trên siêu âm. Tuy nhiên, khi đánh giá tình trạng của bệnh nhân có thể lưu ý một số vấn đề như: (i) rậm long có thể là do yếu tố về di truyền hay chủng tộc; (ii) chưa có trị số tham khảo của dân số bình thường; (iii) đánh giá tình trạng rậm lông vẫn còn rất chủ quan; (iv) hệ thống đánh giá chuẩn Ferriman-Gallway chưa được áp dụng như một tiêu chuẩn trong lâm sàng.

Mụn

Nhiều nghiên cứu cho thấy khoảng 75% phụ nữ bị mụn có hình ảnh buồng trứng đa nang trên siêu âm. Vì thế mụn trứng cá cũng được xem xét như là một dấu hiệu của cường Androgen. Tuy nhiên trong các nghiên cứu, tần xuất chính xác của cường androgen ở những người có mụn trứng cá rất khác nhau.

Hói đầu kiểu nam giới

Dấu hiệu hói đầu rụng tóc ảnh hưởng nhiều bởi di truyền, vì ít được quan tâm. Tuy nhiên nó cũng khá phổ biến trong bệnh buồng trứng đa nang.

Béo phì

Khoảng 30-50% phụ nữ mắc PCOS bị béo phì. Béo phì ở người mắc PCOS thường theo kiểu trung tâm, thường được đánh giá bằng chỉ số BMI, chỉ số vòng bụng hay tỉ số eo (WHR) và thường được biểu hiện rõ ở người Châu Âu và Mỹ. BMI >23kg/m2 được chẩn đoán là thừa cân và >25 kg/m2 được chẩn đoán là béo phì. Chỉ số vòng bụng >80 cm hay WHR >0.28-0.85 được xem là béo phì kiểu trung tâm (WHO, 2000). Nguyên nhân của vấn đề này là do rối loạn trong quá trình chuyển hóa dẫn đến tình trạng phân bố mỡ không đồng đều. 

Cận lâm sàng

Với sự phát triển của y học hiện đại thì việc chẩn đoán cường androgen càng được tin cậy. Việc định lượng các hormone liên quan đến cường androgen như nồng độ testosterone toàn phần và tự do, tỷ lệ LH/FSH,… tỏ ra ngày càng hữu ích trong việc nâng cao chất lượng chẩn đoán hội chứng buồng trứng đa nang.

3. Hình ảnh buồng trứng đa nang trên siêu âm

Là buồng trứng có sự hiện diện của #12 nang noãn có kích thước 2-9mm trên một mặt cắt, có thể kèm theo sự tăng thể tích của buồng trứng (>10ml).

Khi đánh giá hình ảnh buồng trứng đa nang cần lưu ý một số đặc điểm sau:

-Đặc điểm phân bố của các nang ở vùng ngoại vi buồng trứng, sự tăng thể tích và độ dày của mô đệm buồng trứng trên siêu âm. Chỉ một buồng trứng thỏa yêu cầu cũng đủ để chẩn đoán hình ảnh buồng trứng đa nang.

-Người phụ nữ không sử dụng thuốc ngừa thai, thuốc kích thích buồng trứng ít nhất khoảng 3 tháng trước đó.

-Nếu có 1 nang >10mm trên buồng trứng thì tiến hành thực hiện siêu âm lại vào kì sau.

-Thời điểm siêu âm vào ngày 3-5 của chu kì. Những người vô kinh hay thưa kinh có thể được siêu âm bất kì thời điểm nào hay vào ngày 3-5 sau khi gây ra huyết âm đại bằng progestin.

Điều trị

Hiện nay chưa có phương thức điều trị đặc hiệu cho buồng trứng đa nang. Việc điều trị thường nhắm tới mục đích là điều trị triệu chứng cường androgen hay điều trị vô sinh. Nếu ở bệnh nhân không có nhu cầu có con, có thể dùng một số thuốc nội tiết để làm giảm các triệu chứng của hội chứng này như kinh không đều, rậm lông, rụng tóc, rối loạn chuyển hóa,… hay ngăn ngừa sự xuất hiện của một số nguy cơ lâu dài sau này. Tuy nhiên, sau khi ngưng sử dụng thuốc, các triệu chứng có thể sẽ trở lại như ban đầu. Nếu bệnh nhân có nhu cầu điều trị vô sinh: Dùng một số loại thuốc kích thích sự phát triển của nang noãn như Clomiphene Citrate, Metformine, Gonadotrophine. Tùy theo tình trạng của người bệnh mà bác sĩ đưa ra các phương thức điều trị thích hợp. Ngoài ra duy trì lối sống khỏe mạnh và luyện tập thể dục giảm cân cũng đóng vai trò quan trọng trong hiệu quả của phương thức điều trị. Bên cạnh đó cũng có thể sử dụng phương pháp mổ nội soi đốt điểm trên bề mặt buồng trứng. Đặc biệt hiện nay còn có rất nhiều phương pháp điều trị vô sinh tiên tiến mang lại hiệu quả cao như: thụ tinh nhân tạo, thụ tinh trong ống nghiệm, tiêm tinh trùng vào tương bào noãn, trưởng thành trứng non,…

Chia sẻ bài viết
  •  
  •  
  •  
  •  
  •