Lo sức khoẻ bản thân không thể có con, anh Hoá bảo với bạn gái rằng chỉ yêu chứ không cưới, một năm sau phép màu kỳ diệu đến với đôi vợ chồng trẻ.
Bị liệt hai chân sau tai nạn, mọi sinh hoạt cá nhân của anh Đỗ Văn Hóa ở huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa gần như phải phụ thuộc vào người khác. Còn vợ anh – chị Nguyễn Thị Tuyết, huyện Yên Định bị khuyết tật ở tay trái sau nhiều ngày nằm viện vì sốt cao, co giật.
Cả hai gặp nhau trong buổi sinh hoạt của câu lạc bộ dành cho người khuyết tật ở địa phương. Hai nhà cách nhau vài chục cây số, dù không gặp nhau thường xuyên nhưng tin nhắn và cuộc gọi đã đem cả hai lại gần nhau hơn. Sau thời gian 4 năm yêu nhau, anh chị quyết định về chung một nhà.
Về chung nhà một thời gian, bản năng làm mẹ luôn trỗi dậy trong chị Tuyết. Dù rất nhiều hạn chế về sức khỏe, thiếu thốn về kinh tế, nhưng cả hai hy vọng sẽ có được con nhờ kỹ thuật hiện đại. Từ suy nghĩ ấy, họ bước vào hành trình tìm con bằng cách làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Trải qua hành trình nhiều vất vả, cuối cùng chị cũng đậu thai sau lần chuyển phôi thứ 2.
Tháng 2/2023, chị sinh một bé gái khoẻ mạnh. Nhìn con ngủ ngoan trong vòng tay, anh Hoá vẫn chưa dám tin đó là sự thật. Anh từng mặc cảm bởi những khiếm khuyết của bản thân nên không dám mơ về gia đình nhỏ, càng không dám nghĩ bản thân sẽ có con. Thế mà giờ đây mọi thứ đã thành hiện thực.
Tương tự hoàn cảnh gia đình anh Hoá – chị Tuyết, câu chuyện của vợ chồng anh Đinh Văn Hoà và chị Trần Thị Lâm (cùng quê Thanh Hoá) cũng như phép màu kỳ diệu.
Sau ngày tốt nghiệp cao đẳng, anh Hoà được nhận vào làm tại công ty về xây dựng đô thị. Tháng 10/2013, anh bị tai nạn trong quá trình làm việc, thanh sắt rơi trúng lưng dẫn đến chấn thương cột sống, liệt tủy nên phải ngồi xe lăn suốt đời.
Chị Lâm cũng không may bị tai nạn và liệt hai chân. Như duyên trời định, cả hai chạm mặt nhau trong một lần tham gia câu lạc bộ chấn thương cột sống tỉnh Thanh Hóa. Anh thấy chị giỏi giang, điềm đạm, chị thương anh chịu khó, thật thà. Lâu dần, hai người nảy sinh tình cảm rồi quyết định về chung một nhà vào năm 2021.
Để có con, anh Hoà đến bệnh viện và được bác sỹ chỉ định làm kỹ thuật Micro-TESE tìm tinh trùng. Khá bất ngờ vì ngay lần đầu tiên vi phẫu, bác sỹ tìm được “con giống” để làm IVF cho anh chị. Nhưng cũng phải tới lần thứ 2 chuyển phôi, chị Lâm mới đậu thai.
“Ngày thử kết quả beta – hCG tim tôi như ngừng đập, như một phép màu, kết quả báo tôi có thai. Lúc đó 2 vợ chồng tôi ngỡ mình trúng số độc đắc” – chị Lâm nói.
Ngày 8/5/2023, bé Súp – trái ngọt của vợ chồng anh chị chào đời nặng 3,8kg trong niềm vui mừng của gia đình.
Theo ThS.BS Hà Ngọc Mạnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Việt Bỉ, đây không phải là những ca bệnh đầu tiên bệnh viện can thiệp cho người chồng bị liệt tủy, nhưng hầu hết các cặp đôi này khá đặc biệt, vì cả hai đều khuyết tật, hoàn cảnh kinh tế vô cùng khó khăn. Bệnh viện hỗ trợ cả về tinh thần và vật chất để họ đón được em bé khỏe mạnh.
Là người đồng hành giúp các cặp vợ chồng khuyết tật trên hành trình “tìm con”, bác sỹ Luyện Thị Ngọc Dung, khoa Sản phụ Hiếm muộn, Bệnh viện Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Việt-Bỉ cho biết, đa phần các cặp đôi khuyết tật đến với bệnh viện đều có bệnh nền như viêm màng não, huyết áp cao, tiền sử động kinh nên các bác sỹ cũng đắn đo suy nghĩ rất nhiều.
Theo chuyên gia hỗ trợ sinh sản, người khuyết tật họ phải vượt qua rất nhiều rào cản từ tâm lý cá nhân, gánh nặng kinh tế, điều tiếng xã hội… Chính vì thế, để có được thành quả như hiện tại, các cặp đôi đã phải rất quyết tâm và kiên trì.
Nguồn báo https://vtc.vn/cai-ket-nhu-mo-cua-chang-trai-khuyet-tat-tung-khong-dam-cuoi-vo-ar785054.html