SỰ THAY ĐỔI CỦA CƠ THỂ TRƯỚC VÀ SAU KHI CHUYỂN PHÔI

Trang chủ Vô sinh - Hiếm muộn Quy trình IVF SỰ THAY ĐỔI CỦA CƠ THỂ TRƯỚC VÀ SAU KHI CHUYỂN PHÔI

Giai đoạn trước và sau khi chuyển phôi là giai đoạn xáo trộn tâm lý cùng với những thay đổi trong cơ thể như cảm giác mệt mỏi, bụng căng, đau ngực,… Do những thay đổi này mà nếu không hiểu rõ, bệnh nhân tham gia chuyển phôi sẽ bị hoang mang, lo lắng không đáng có.

Vậy cơ thể sẽ có những thay đổi như thế nào trong những giai đoạn này. Hãy cùng chúng mình tìm hiểu nhé!

Trước chuyển phôi

Dù là chuyển phôi trữ hay phôi tươi thì thời gian chuẩn bị niêm mạc tử cung trước khi chuyển phôi đóng vai trò rất quan trọng. Bắt đầu ngày thứ 2 của chu kỳ hoặc cũng tùy thuộc vào sự đáp ứng của cơ thể với thuốc mà thời gian chuẩn bị niêm mạc sẽ được tính toán và sử dụng các thuốc hormone phù hợp. Để đủ điều kiện chuyển phôi, niêm mạc tử cung phải đạt độ dày tối thiểu là 8mm và có hình ảnh hạt cà phê,…

Thông thường độ dày niêm mạc từ 8 – 13 được cho là ổn nhất. Độ dày này thấp hoặc cao hơn có thể không phải là niêm mạc lý tưởng để chuyển phôi. Tuy nhiên, còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác để bác sĩ đưa đến quyết định có tiến hành chuyển phôi hay không?

Trong khoảng thời gian này, bệnh nhân nên tuân thủ đơn thuốc uống và đặt thuốc của bác sĩ đều đặn, đúng giờ. Ngoài ra bệnh nhân còn nên chủ động nâng cao sức khỏe thể chất cũng như tinh thần để có thể chuẩn bị được một điều kiện tốt nhất đón nhận phôi chuyển.

Theo đó bệnh nhân nên quan tâm chế độ dinh dưỡng của bản thân cũng như có một chế độ vận động sinh hoạt hợp lý. Lưu ý rằng trước khi tiến hành chuyển phôi 24h, vợ chồng không nên quan hệ, vì việc này có thể ảnh hưởng tới quá trình chuyển phôi.

Trước khi tiến hành chuyển phôi một tuần, bệnh nhân nên chú ý việc giữ ấm cơ thể nhất là vào mùa lạnh. Giải pháp ngâm chân với nước gừng để giữ ấm cơ thể và giúp tinh thần thoải mái hơn cũng rất hữu hiệu.

Trong ngày chuyển phôi

Nếu được hẹn 7h sáng đến chuyển phôi, trước đó bạn nên đi vệ sinh để thoải mái. Khi đến bệnh viện, bạn sẽ được hướng dẫn uống khoảng 300ml nước để bụng căng. Điều này giúp cho việc siêu âm dễ dàng thấy hơn và bàng quang cũng ép tử cung cho bé lại, tăng cơ hội cho phôi bám. Mức độ căng bụng nên là vừa phải, không nên uống quá nhiều đến mức buồn đi tiểu.

Sau khi chuyển phôi xong, bệnh nhân được theo dõi tại viện khoảng 30 phút, tránh vận động mạnh. Sau khi về nhà bệnh nhân cũng nên tránh vận động mạnh quá mức và đi lại nhẹ nhàng.

Sau khi chuyển phôi

Sau khi chuyển phôi ngày 1

Từ sau khi chuyển phôi ngày đầu tiên, nhiều bạn sẽ cảm thấy buồn tiểu, cứ 2-3 tiếng lại muốn đi tiểu. Hiện tượng này là bình thường và bạn không cần quá lo lắng. Bệnh nhân nên đi lại nhẹ nhàng, tránh va chạm mạnh. Bạn nên giữ vùng kín sạch sẽ và thay quần lót thường xuyên. Tuyệt đối không thụt rửa âm đạo dưới mọi hình thức và không sử dụng các loại nước rửa âm đạo hay ngâm các loại thảo dược. Nhiều bệnh nhân lo lắng rằng sau khi chuyển phôi nên nằm ngủ tư thế nào? Thế nhưng vấn đề này không quá quan trọng, miễn tư thế bạn ngủ thoải mái nhất là được.

Dinh dưỡng: Người mẹ cần bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, an toàn

Vận động: Bạn nên vận động nhẹ nhàng, nhưng tránh tạo áp lực lên phần bụng và hông

Sau chuyển phôi ngày 2

Bước sang ngày này, về cơ bản, không có nhiều thay đổi rõ rệt.

Sự làm tổ của phôi phụ thuộc chủ yếu vào chất lượng phôi và điểu kiện nội mạc tử cung tại thời điểm tiếp xúc với phôi, nó ít phụ thuộc vào các yếu tố tác động bên ngoài. Vì thế bệnh nhân chỉ cần sinh hoạt bình thường, chỉ cần hạn chế những tác động mạnh lên bụng hoặc cúi gập người. Nhưng cũng không nên nằm một chỗ, như vậy sẽ khiến máu khó lưu thông ở vùng tử cung.

Sau khi chuyển phôi 3 – 5 ngày

Đây là những ngày quan trọng vì là thời điểm phôi tìm chỗ làm tổ. Trong những ngày này, người mẹ cần để tâm đến chế độ ăn uống cũng như vận động và đặc biệt lưu tâm đến các dấu hiệu bất thường khác.

Trong thời gian chuyển phôi không nên để bị táo bón hay tiêu chảy. Bệnh nhân nên ăn uống hợp vệ sinh và nên bổ sung các loại rau xanh tự nhiên và tránh các loại thực phẩm khó tiêu đầy hơi.

Bệnh nhân nên đi lại nhẹ nhàng hơn bình thường, hạn chế tối đa việc lên xuống cầu thang, nghỉ ngơi nhiều. Khi đang nằm mà ngồi dậy thì nên nghiêng người trước rồi chống tay đứng dậy, không nên ngồi hẳn dậy luôn, không nên cúi gập người để lấy đồ đạc hay xỏ giày vì động tác này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tư thế của tử cung.

Sau 3 – 5 ngày chuyển phôi, bệnh nhân có thể thấy các dấu hiệu sau:

– Hơi quặn, nặng bụng dưới. bụng có cảm giác râm ran, thi thoảng lại nhói lên. Khi nào thấy đau bụng thì bệnh nhân nên nằm nghỉ một chút.

– Căng tức ngực, hơi khó thở, một số người chỉ đau ở đầu ti, một số đau bầu ngực

– Đau lưng hoặc đau hai bên hông eo

– Có thể có một chút máu ở phôi thai có thể gây ra vài tổn thương cho lớp niêm mạc tử cung khi làm tổ làm máu ra ở âm đạo một xíu, nhưng nếu như ra máu nhiều thì nên đến viện kiểm tra.

– Đặt thuốc âm đạo những ngày này cần nhẹ nhàng, khéo léo.

Nếu có những dấu hiệu này thì khả năng cao là phôi đã làm tổ được ở buồng tử cung. Tuy nhiên, có những bạn không có những dấu hiệu kể trên nhưng thử thai vẫn lên hai vạch thì cũng không cần lo lắng.

Sau chuyển phôi ngày 6

Vào ngày này bạn có thể có dấu hiệu đau bụng ngâm và có thể còn kéo dài một số ngày sau nữa. Ngoài ra, trong những ngày này, nội tiết tố sẽ cao hơn mức bình thường, âm đạo lúc nào cũng ẩm ướt và ra nhiều huyết trắng. Nếu trong những ngày trước, bạn nào có ra một ít máu ở âm đạo thì cũng có thể xuất hiện hiện tượng tương tự ở những ngày này.

Còn có thể thấy các dấu hiệu như mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn, khó thở, hụt hơi vào những ngày tiếp theo.

Sau chuyển phôi ngày 11-13

Đây là thời điểm mà hầu hết các mẹ đều dùng que thử thai vì tin rằng lúc này que thử thai có thể cho được kết quả chính xác. Nếu cộng thêm 3 hoặc 5 ngày phôi trữ thì đã được 14 – 16 ngày. Tuy nhiên, do thời gian này bệnh nhân đang dùng thuốc nội tiết nên kết quả có thể là dương tính giả. Vậy nên, bệnh nhân hãy kiên nhẫn chờ đợi mà không nên dùng que thử để kiểm tra trong những ngày này tránh gây mất tinh thần.

Sau chuyển phôi ngày 14

Vào ngày 14 sau chuyển phôi, bệnh nhân được hẹn lấy máu xét nghiệm beta-HCG. Nồng độ này sau 2 tuần chuyển phôi nếu ở mức trên 25 IU/l thì được xác định là có thai, nồng độ này cũng phụ thuộc và cơ thể mỗi người khác nhau.

Chỉ số beta HCG cao cảnh báo nguy cơ mang đa thai. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp có bệnh nhân cao hơn 1000 IU/l sau 14 ngày chuyển phôi nhưng lại là thai đơn, còn có những bệnh nhân chỉ đạt hơn 200 IU/l nhưng lại là thai đôi.

Những dấu hiệu trên là những dấu hiệu được cho là cảnh báo sớm và thường gặp. Có những bệnh nhân sẽ xuất hiện sớm, dễ thấy, biểu hiện rõ ràng. Nhưng cũng có những bệnh nhân tuy đậu thai nhưng lại không có dấu hiệu gì, cơ thể bình thường hoặc biểu hiện trễ và ít. Vì vậy tâm lý bệnh nhân cần thoải mái, không cần quá lo lắng. Sau 14 ngày làm xét nghiệm beta HCG là có thể biết được chính xác. Và sau đó bác sĩ sẽ tư vấn các bước tiếp theo để các mẹ có một chu kỳ thai khỏe mạnh và an toàn.

Sưu tầm.

Chia sẻ bài viết
  •  
  •  
  •  
  •  
  •