Vô sinh do không tử cung

Trang chủ Vô sinh - Hiếm muộn Vô sinh do không tử cung

Tử cung (hay dạ con) là bộ phận sinh đẻ quan trọng của người phụ nữ. Tử cung được hình thành ở bụng dưới và hoàn chỉnh về cấu trúc ngay khi thai còn trong bụng mẹ. Tử cung lớn dần lên và thay đổi về độ lớn cũng như hình dáng và kích thước theo sự phát triển của người phụ nữ. Khi trưởng thành tử cung có kích thước trung bình  6 x 4 x 2 cm. Bình thường eo tử cung dài khoảng vài milimet nhưng khi có thai sẽ giãn dần do hình thành “đoạn dưới” ( 9 – 10cm).

Khi có thai tử cung to dần lên, dung tích lúc bình thường 5ml, thai đủ tháng có thể tới 5000ml thậm chí còn hơn nữa (tăng hơn 1.000 lần). Những bất thường ở tử cung có thể là nguyên nhân gây vô sinh cho người phụ nữ. Những bất thường này có nhiều loại: có khi là những dị tật bẩm sinh ở người phụ nữ ngay khi còn trong bào thai; có khi là bệnh mắc phải ở tử cung khiến người phụ nữ không thể mang thai. Một trong những bất thường tử cung gây ảnh hưởng nặng nề đối với người phụ nữ là tình trạng không tử cung.

vo-sinh-do-khong-tu-cung
Một bất thường bẩm sinh hay gặp là hội chứng Mayer Rokistansky Kuster Hauser (MRKH), một số tên khác dùng để chỉ hội chứng này gồm:

1.Bất thường bẩm sinh không tử cung:

1.Congenital absence of the uterus and vagina (CAUV)

2.Genital renal ear syndrome (GRES)

3.Mullerian agenesis

4.Mullerian aplasia

5.Mullerian dysgenesis

6.Rokitansky syndrome

Nguyên nhân dẫn đến hội chứng này vẫn chưa được hiểu biết rõ ràng, tuy nhiên nó không liên quan đến bất thường gene hay nhiễm sắc thể. Tỷ lệ gặp 1/4500 trẻ gái sinh ra (Mỹ). Bệnh nhân phát triển thể chất bình thường nhưng đến khám bệnh vì tình trạng dậy thì muộn hay không có kinh nguyệt nguyên phát, qua thăm khám và làm các xét nghiệm: siêu âm,  chụp MRI phát hiện thấy không có âm đạo hoặc âm đạo ngắn, có hoặc không có tử cung kèm theo.Trong khi đó buồng trứng 2 bên bình thường về kích thước và chức năng.

Lứa tuổi chẩn đoán trung bình từ 16-18 tuổi. MRKH có thể có âm đạo hoặc âm đạo ngắn kèm theo có tử cung nhỏ hoặc không có tử cung, một số chỉ có 1 bên thận. Trong trường hợp không có âm đạo nhưng có tử cung bệnh nhân có thể tạo hình âm đạo và có thể có thai bình thường được. Nhưng nếu không có tử cung hoặc tử cung nhi tính thì người đó không thể mang thai được. Trong trường hợp này phải làm thụ tinh ống nghiệm lấy trứng ra và nhờ người khác mang thai hộ. Một số trường hợp có thể phẫu thuật cấy ghép tử cung.

2.Không tử cung mắc phải sau phẫu thuật cắt bỏ tử cung:

2.1.Ung thư phụ khoa: một số ung thư phụ khoa như ung thư tử cung hay cổ tử cung – phẫu thuật cắt bỏ tử cung có thể là lựa chọn điều trị tốt nhất. Ngoài ra ung thư buồng trứng bệnh nhân buộc phải cắt bỏ cả tử cung và buồng trứng 2 bên.

2.2.U xơ tử cung(UXTC): cắt bỏ tử cung chỉ định trong những trường hợp UXTC  kích thước lớn (>5cm), chảy máu kéo dài, thiếu máu nặng, đau vùng chậu hay áp lực bàng quang. Chỉ định khá chặt chẽ đặc biệt ở những phụ nữ vẫn còn nhu cầu sinh con.

2.3.Adenomyosis: Gây tình trạng viêm dính, xơ hóa tử cung không hồi phục, có thể kèm them đau bụng kinh, đau vùng chậu nhiều ảnh hưởng trầm trọng tới sinh hoạt của bệnh nhân. Khi việc điều trị nội khoa hoặc phẫu thuật bảo tồn không cải thiện buộc phải cắt bỏ tử cung.

2.4.Sa tử cung. Sa tử cung vào âm đạo có thể xảy ra khi các dây chằng hỗ trợ và các mô suy yếu. Sa tử cung có thể dẫn đến tiểu không tự chủ, áp lực vùng chậu hoặc gặp khó khăn với nhu động ruột. Cắt bỏ tử cung có thể là cần thiết để đạt được sửa chữa thỏa đáng những điều kiện này.

2.5.Chảy máu âm đạo kéo dài. Nếu kinh nguyệt rất nặng nề, không thường xuyên hoặc kéo dài mỗi chu kỳ, phẫu thuật cắt bỏ tử cung có thể mang lại cứu trợ khi chảy máu không thể được kiểm soát bằng các phương pháp khác.

3.Hướng điều trị:

Những phụ nữ không tử cung bẩm sinh hay mắc phải nếu còn nhu cầu sinh sản vẫn có thể có hi vọng nếu chức năng buồng trứng bình. Họ có thể làm thụ tinh trong ống nghiệm và nhờ người khác mang thai hộ hoặc cấy ghép tử cung từ tử cung hiến tặng. Tuy còn nhiều hạn chế trong mỗi phương pháp nhưng cũng là điểm sáng mang đến những hi vọng cho các phu nữ kém may mắn có thể có con bằng chính nguồn trứng của mình.

 TS.BS. Lê Vương Văn Vệ

Chia sẻ bài viết
  •  
  •  
  •  
  •  
  •